Khoa học đã làm cho con người bơi giỏi hơn cá, bay cao hơn chim và đi bộ trên mặt trăng. . . Khoa học không thể giúp con người chế ngự tâm mình và cũng không đưa đến sự kiểm soát đạo đức và mục đích của cuộc sống. Mặc dù, khoa học có những sự kỳ diệu của nó, nhưng khoa học vẫn có nhiều mặt hạn chế mà ở đó Phật giáo đã vượt qua.
Ngày nay chúng ta đang sống trong thời đại khoa học mà trong đó mọi khía cạnh của đời sống chúng ta đều có ảnh hưởng của khoa học. Từ cuộc cách mạng khoa học suốt thế kỷ 17, khoa học đã tiếp tục phát triển không ngừng cho đến ngày nay.
Tác động của khoa học có sức mạnh đặc biệt đối với niềm tin tôn giáo truyền thống. Nhiều những khái niệm tôn giáo căn bản đang bị lung lay dưới áp lực của khoa học hiện đại và chúng không thể được chấp nhận nữa đối với giới trí thức. Ngày nay việc thừa nhận chân lý chỉ ngang qua thần học hoặc dựa vào giáo quyền kinh điển ngược với khoa học thì không còn chấp nhận nữa. Chẳng hạn, việc phát minh tâm lý học hiện đại đã chỉ ra rằng, tâm cũng giống như thân của con người, hoạt động theo quy luật nhân quả tự nhiên mà không có sự hiện diện của một linh hồn bất biến như một vài tôn giáo đã thuyết giảng.
Một số người quá sùng đạo coi thường các khám phá khoa học đi ngược với các tín điều tôn giáo của họ. Các thói quen tâm lý cứng nhắc như vậy thật sự đã cản trở bước tiến hóa của nhân loại. Vì con người ngày nay khước từ niềm tin mù quáng mặc dù nó được thừa nhận theo truyền thống, những người sùng đạo như vậy sẽ chỉ thành công trong sự tăng trưởng số lượng tín đồ với các giáo điều sai lầm của họ.
Mặc khác, một số nhà tôn giáo đã nhận ra sự cần thiết để thích nghi với các lý thuyết khoa học phổ biến bằng cách đưa ra sự giải thích về niềm tin tôn giáo của họ. Như trường hợp học thuyết tiến hóa của Darwin, nhiều nhà tôn giáo cho rằng con người do Thượng đế tạo ra trực tiếp. Mặt khác, Darwin cho rằng con người tiến hóa từ loài vượn, lý thuyết này đã đánh đổ các triết lý tạo hóa của Thượng đế và coi nhẹ con người. Từ khi tất cả các nhà tư tưởng có hiểu biết đã chấp nhận học thuyết Darwin, các nhà thần học ngày nay ít có sự chọn lựa nào khác ngoài việc đưa ra một giải thích mới cho các giáo lý của họ để thích hợp với học thuyết này mà họ đã phản đối từ lâu nay.
Trong ánh sáng của những khám phá khoa học, thật dễ dàng để hiểu rằng nhiều quan điểm của tôn giáo về thế giới quan và nhân sinh quan chỉ là những tư tưởng ước lệ của những điều đã đang có. Thật sự mà nói thì tôn giáo đã có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển và tiến hóa của con người. Họ thừa nhận các giá trị, tiêu chuẩn và những nguyên lý nền tảng để hướng dẫn đời sống con người. Nhưng đối với tất cả điều tốt đã làm, tôn giáo không thể tồn tại trong thời đại khoa học hiện đại nếu họ khăng khăng bảo thủ chân lý trong khuôn khổ hình thức giáo điều, khuyến khích lễ nghi và các việc tu tập khác đã được rút tỉa từ ý nghĩa nguồn gốc của họ.
PHẬT GIÁO VÀ KHOA HỌC
Mãi cho đến đầu thế kỷ vừa qua, Phật giáo bị giới hạn trong những nước mà khoa học hiện đại chưa phổ biến. Tuy nhiên, từ thuở ban sơ giáo lý Đức Phật luôn luôn mở rộng tư tưởng khoa học.
Một lý do tại sao lời dạy của Đức Phật dễ dàng được chấp nhận bởi tinh thần khoa học là vì Đức Phật không bao giờ khuyến khích niềm tin giáo điều cứng nhắc. Ngài không tuyên bố giáo lý của Ngài dựa trên niềm tin, tín thành nhưng cho phép sự uyển chuyển linh hoạt và tự do tư tưởng.
Lý do thứ hai là tinh thần khoa học được tìm thấy trong thế giới quan của Phật giáo. Phương thức của Đức Phật đối với việc khám phá và chứng nghiệm chân lý thì rất giống với những sự khám phá của các nhà khoa học. Nhà khoa học quan sát thế giới bên ngoài một cách khách quan và chỉ đưa ra học thuyết khoa học sau khi đã kiểm chứng các thí nghiệm thực tiển.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, Đức Phật đã vận dụng phương thức tương tự khoa học quán sát thế giới nội tại bằng sự suy xét vô tư khách quan và khuyến khích các đệ tử của Ngài đừng chấp nhận bất cứ điều gì cho đến khi nào họ đã thực sự nghiên cứu và xác chứng tính thực tại của nó.
Giống như các nhà khoa học ngày nay không thể tuyên bố thực nghiệm của mình mà không thể thừa hưởng kinh nghiệm từ những người khác, Đức Phật không tuyên bố rằng sự chứng đắc giác ngộ là chỉ độc quyền dành riêng cho Ngài. Do đó, trong sự tiếp cận chân lý, Đức Phật đã có sự phân tích giống như các nhà khoa học ngày nay. Ngài đã thiết lập phương thức khoa học thực tiển cho việc đạt đến chân lý tối hậu và thực nghiệm giác ngộ.
Phật giáo rất gần gũi với tinh thần khoa học, nhưng sẽ không đúng nếu cho rằng Phật giáo thì ngang hàng với khoa học. Sự thật rằng các ứng dụng thực tiển của khoa học có khả năng làm cho đời sống con người tiện nghi hơn và hưởng thụ hơn những điều trước đây chưa từng có. Khoa học đã làm cho con người bơi giỏi hơn cá, bay cao hơn chim và đi bộ trên mặt trăng. Tuy nhiên, phạm vi kiến thức chấp nhận trí tuệ khoa học ước lệ thì còn hạn chế trong các chứng minh thực tế. Và chân lý khoa học chịu sự biến đổi liên tục. Khoa học không thể giúp con người chế ngự tâm mình và cũng không đưa đến sự kiểm soát đạo đức và mục đích của cuộc sống. Mặc dù, khoa học có những sự kỳ diệu của nó, nhưng khoa học vẫn có nhiều mặt hạn chế mà ở đó Phật giáo đã vượt qua.
CÁC MẶT HẠN CHẾ CỦA KHOA HỌC
Thường thì người ta nghe quá nhiều về khoa học và về những gì khoa học có thể làm được nhưng ít biết được những gì mà khoa học chưa hoặc không làm được. Kiến thức khoa học bị giới hạn bởi những thông tin nhận được ngang qua các giác quan. Nó không thể nhận thức chính xác những điều vượt quá giới hạn của giác quan. Chân lý khoa học được xây dựng trên các quan sát lo-gíc của các dữ kiện thuộc giác quan mà nó đang biến đổi liên tục. Do đó, chân lý khoa học là chân lý tương đối không có bền vững trước thách thức của thời gian và vì nhà khoa học đã nhận biết được sự thật này, nên luôn luôn sẳn lòng loại bỏ một học thuyết nếu như nó có thể được thay thế bởi một học thuyết khác tốt hơn.
Khoa học nỗ lực tìm hiểu thế giới bên ngoài và đã bới tìm bề mặt thế giới nội tại con người. Ngay cả khoa học về tâm lý cũng không thật sự tìm hiểu hết nguyên nhân sâu xa của các trạng thái bất an của con người. Khi con người nản lòng, chán ghét cuộc sống và thế giới nội tâm bị tràn ngập bởi xáo trộn và bất an, thì khoa học ngày nay không có nhiều phương tiện để giúp đỡ con người. Đối với môi trường sống xung quanh của con người, khoa học xã hội có thể cung ứng một mức độ hạnh phúc nhất định nào đó. Nhưng không giống như loài vật, con người đòi hỏi nhiều hơn sự tiện nghi thân thể và các nhu cầu giúp đối phó với khổ đau và xáo trộn nảy sinh từ thực tế hằng ngày.
Ngày nay có quá nhiều người bị sợ hãi, bất an và cảm thấy không an ổn. Tuy nhiên, khoa học không thể giúp họ được, khoa học không thể giúp chúng ta chế ngự tâm mình khi mà bản năng đầy thú tính bất chợt nổi lên và đốt cháy trong tâm.
Khoa học có thể làm cho con người tốt hơn không? Nếu có, tại sao các hành động khủng bố và các hành vi phi đạo đức đầy dẫy trong các quốc gia mà các quốc gia đó có nền khoa học tiên tiến? Thật ra không công bằng để nói rằng mặc dù các tiến bộ khoa học đã đạt được và có các lợi thế ban cho con người, khoa học vẫn chưa có thể biến đổi nền tảng nội tâm con người mà khoa học chỉ làm tăng thêm cảm giác của con người về sự phụ thuộc và cảm thấy thiếu thốn? Thêm vào đó, khoa học thất bại trong việc đem sự an toàn đến cho mọi người. Khoa học cũng khiến cho mọi người cảm thấy rất bấp bênh bởi sự đe dọa thế giới có khả năng bị hủy diệt con người trên quy mô lớn. Khoa học không thể cung cấp đầy đủ ý nghĩa của cuộc đời, không thể cung cấp cho con người các lý do rõ ràng chính xác về cuộc sống. Thật tế khoa học là thế tục hoàn toàn trong bản chất và không có liên quan tới mục đích tâm linh của con người. Chủ nghĩa vật chất vốn có tư tưởng khoa học đã chối bỏ các mục tiêu tâm lý cao hơn mục tiêu thõa mãn vật chất. Bằng những lý thuyết có chọn lọc và các chân lý tương đối, khoa học coi thường các vấn đề cốt lõi nhất và để lại nhiều câu hỏi không thể trả lời được. Ví dụ, khi được hỏi về sự khác nhau giữa tâm hồn và thể xác tồn tại trong con người thì không một sự giải thích khoa học nào có thể đưa ra đối với vấn đề như vậy. Vì vấn đề đó vượt qua các giới hạn chật hẹp của khoa học.
NHẬN BIẾT CÁI KHÔNG BIẾT
Tâm siêu việt được Đức Phật phát triển thì không bị giới hạn bởi các thông tin cảm giác và vượt qua ngưỡng cửa lô-gíc trong sự giới hạn của nhận thức tương đối. Trái lại, khả năng hiểu biết của con người hoạt động trên cơ sở của những thông tin mà nó thu thập và tích chứa dù trong lãnh vực tôn giáo, triết học, khoa học và nghệ thuật. Đối với vấn đề tâm lý, thông tin này được thu thập xuyên qua các giác quan mà giác quan bị giới hạn trong nhiều phương diện. Những thông tin giới hạn được nhận thức khiến cho sự hiểu biết của chúng ta về thế giới bị méo mó. Trong tác phẩm "Learned Ignorance," của nhà học giả người Pháp Nicholas , Cusa đã viết:
"Tất cả những kiến thức phô bày dựa trên các giác quan của chúng ta thì thật sự là sự không hiểu biết; và sự hiểu biết chân thật chỉ đạt được bởi sự lột bỏ tất cả những điều này cho đến khi chúng ta suy nghĩ mà không dùng các ý tưởng của giác quan"
"Chân lý không phụ thuộc vào những vấn đề bên ngoài chúng ta mà chính ngay trong chúng ta. Chúng ta không thể hy vọng tìm thấy chân lý bằng kinh nghiệm, bằng nhận thức giác quan hoặc ngay cả bằng những lô-gích và lý lẽ. Có nhiều phương tiện để đạt được kiến thức nhưng đó chưa phải bằng nhận thức là chân lý. Chân lý phải thực sự đến từ sự nhận thức nội tại. Sách vở chỉ có thể khơi dậy tư tưởng và cho bạn kiến thức. Đối với chân lý, bạn phải quay mắt nhìn vào trong chính bạn. Vì vậy việc nghiên cứu kiến thức là một điều và nghiên cứu chân lý là một điều khác."
"Lời nói là sản phẩm của tâm hạn chế của chúng ta và tâm của chúng ta phụ thuộc tất cả kiến thức dựa trên kinh nghiệm của các giác quan của chúng ta. Đôi khi các giác quan này không đáng tin cậy. Một việc xảy ra được nhiều người thấy thì có thể được giải thích trong nhiều cách khác nhau."
Một số người tự hào về sự việc mà họ biết rất nhiều. Thật tế là chúng ta biết càng ít thì chúng ta càng có nhiều sự giải thích, chúng ta càng biết nhiều thì chúng ta càng nhận biết nhiều hạn chế của chúng ta. Một học giả thông thái, khi viết xong một tác phẩm được xem là kiệt tác. Vị đó cảm thấy rằng tác phẩm này đã chứa đựng tất cả tinh túy văn học và triết học. Bởi lòng tự hào về sự đạt được của mình, người đó đã phô trương kiệt tác của mình đến một đồng nghiệp – người có trình độ kiến thức ngang hàng – với lời đề nghị rằng xin đánh giá chất lượng của tác phẩm này. Thay vì vậy, vị đồng nghiệp của vị này lại yêu cầu tác giả ghi trên một mẫu giấy tất cả những gì vị này đã biết và tất cả những gì đã không biết. Tác giả đắm chìm trong suy tư và sau một hồi lâu không thể viết ra được những điều nào mà mình đã biết cả. Rồi tới vấn đề thứ hai, vị ấy cũng không thể viết ra được tất cả những điều gì mà mình đã không biết. Cuối cùng trong bước cùng cực nhất, vị đó đã xuôi tay chịu thua và mới nhận thức ra rằng tất cả những gì anh ta đã biết đều thật sự là không biết.
Cùng với quan điểm này, Socrates, một triết gia nổi tiếng Athen của thế giới cổ đại, khi được hỏi những gì ông ta biết, ông ta chỉ trả lời rằng:"Tôi biết chỉ có một điều - là tôi không biết."
VƯỢT TRÊN KHOA HỌC
Phật giáo vượt trên khoa học hiện đại trong sự chấp nhận lãnh vực kiến thức rộng lớn hơn tinh thần khoa học. Phật giáo thừa nhận kiến thức xuất phát từ các giác quan cũng như những kinh nghiệm cá nhân đã được ngang qua sự tu dưỡng tâm. Bởi việc phát triển và tu tập tâm định tĩnh cao, thì thực nghiệm tôn giáo có thể được hiểu và được thực hiện. Sự chứng nghiệm không phải là một điều có thể hiểu được bởi hành động thí nghiệm hoặc thẩm sát qua kính hiển vi.
Chân lý do khoa học khám phá chỉ tương đối và chịu sự biến đổi, trong khi chân lý do Đức Phật tìm thấy là tuyệt đối và rốt ráo: chân lý của các pháp không thay đổi theo thời gian và không gian. Hơn nữa, ngược lại với các lý thuyết khoa học, Đức Phật khuyến khích người có trí thì không nên bám víu vào các học thuyết, khoa học và những điều khác. Thay vì học thuyết, Đức Phật dạy con người cách để sống đời sống chân chính bằng sự thanh tịnh các căn và loại bỏ tham muốn, Đức Phật chỉ ra con đường qua đó chúng ta có thể nhận ra trong chính mình bản chất cuộc đời. Mục đích thật sự của cuộc đời có thể được tìm thấy.
Trong Phật giáo, việc tu tập là quan trọng. Một người học nhiều nhưng không thực tập giống như người nói phương pháp nấu nướng từ một cẩm nang dạy nấu nướng đồ sộ mà không cố gắng để chuẩn bị nấu một món ăn thì cuốn sách cẩm nang không thể làm giảm cơn đói bụng được. Cũng thế, thực hành là điều kiện tiên quyết quan trọng trong việc giác ngộ mà trong vài trường phái Phật giáo như Zen đã nâng cao việc tu tập thiền định thậm chí được đặt ở hàng đầu.
Phương pháp khoa học có khuynh hướng hướng ngoại và các nhà khoa học hiện đại đã khai thác bản chất và các yếu tố tiện nghi cho riêng họ, nhưng lại thường không xem xét nhu cầu để hòa hợp với môi trường và do đó thế giới xung quanh bị ô nhiễm. Trái lại, Phật giáo hướng nội và liên quan tới sự phát triển nội tại của con người. Ở phương diện thấp hơn, Phật giáo dạy con người cách để điều chỉnh và đối phó với các sự kiện và hoàn cảnh của đời sống hằng ngày. Ở mức độ cao hơn, Phật giáo trình bày sự tự nỗ lực của con người phát triển vươn lên thông qua việc tu tập và trau giồi tâm.
Phật giáo có một hệ thống tu tập tâm hoàn hảo liên quan tới việc đạt trí tuệ trong bản chất các pháp để đưa đến sự giải thoát tối thượng – Niết-bàn. Hệ thống này vừa thực tiển, vừa khoa học. Nó bao hàm sự quán sát khách quan về các trạng thái tâm lý và tình cảm.Hơn một nhà khoa học, người tu học Phật như là một vị thẫm phán, một thiền giả quán sát thế giới nội tâm chính mình với chánh niệm.
KHOA HỌC KHÔNG CÓ TÔN GIÁO
Nếu không có lý tưởng đạo đức thì khoa học sẽ đem đến sự nguy hiểm cho toàn thể nhân loại. Khoa học chế tạo máy móc và máy móc lần lượt trở thành chúa tể. Bom đạn là quà tặng của khoa học cho một thiểu số người có uy quyền sẽ điều khiển vận mạng của thế giới. Trong khi phần đông nhân loại lại chờ đợi trong nổi khổ đau, sợ hãi, không biết khi nào vũ khí nguyên tử, chất độc hóa học, vũ khí giết người – kết quả của các nghiên cứu khoa học để giết người có hiệu quả hơn – sẽ được sử dụng đến. Khoa học hoàn toàn không những không thể hướng dẫn đạo đức cho nhân loại mà còn nuôi dưỡng nhiên liệu để thổi bùng ngọn lửa khát vọng của con người.
Sự trống rỗng đạo đức của khoa học báo hiệu duy nhất một điều là sự hủy hoại: nó trở thành con quái vật tàn bạo mà con người đã tạo ra. Bất hạnh thay! Chính con quái vật trở nên mạnh mẽ hơn con người đã tạo nên nó. Trừ phi con người biết chế ngự và cai quản quái vật này ngang qua việc thực tập đạo đức tôn giáo thì con quái vật sẽ sớm khuất phục con người. Nếu không có sự hướng dẫn của tôn giáo thì khoa học đe dọa thế giới với sự hủy diệt. Trái lại, nếu khoa học song hành với tôn giáo như Phật giáo thì có thể biến đổi thế giới này thành thiên đường, hòa bình, an ổn và hạnh phúc.
Chưa bao giờ sự đồng hành giữa khoa học và tôn giáo lại rất cần cho phúc lợi nhất của con người và cần phục vụ cho con người như lúc này. Chúng như cần phải đi song song với nhau. Tôn giáo mà không có khoa học là mù, khoa học mà không có tôn giáo thì như bị què.
CỐNG HIẾN CHO PHẬT GIÁO
Trí tuệ Phật giáo thiết lập trên từ bi có vai trò quan trọng đến sự điều chỉnh sự nguy hiểm mà khoa học đang hướng đến. Phật giáo có thể cung cấp khả năng lãnh đạo tinh thần để hướng dẫn sự nghiên cứu và phát minh khoa học trong việc khuyến khích sự trau giồi nền văn minh sáng chói trong tương lai. Phật giáo có thể cung ứng các mục tiêu xứng đáng cho sự tiến bộ khoa học mà nó đương đầu với bế tắc vô vọng của việc bị nô lệ bởi chính sự phát minh của nó.
Nhà đại bác học Albert Enstein đã ngỏ lời khen ngợi sự đóng góp của Phật giáo khi ông nói: "Nếu có bất kỳ tôn giáo nào mà tôn giáo đó đáp ứng với nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó sẽ là Phật giáo." Phật giáo không có từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học bởi vì Phật giáo đã hàm chứa khoa học đồng thời vượt lên khoa học. Phật giáo là cầu nối giữa tư tưởng tôn giáo và khoa học bởi việc khuyến khích con người khám phá những tiềm năng tiềm tàng trong chính mình và môi trường chung quanh. Phật giáo là mãi mãi!
***
[Dịch từ nguyên tác tiếng Anh "Religion in a scientific age" của Đại lão HT. K. Sri Dhammananda, trong tác phẩm "Các Viên Ngọc Trí Tuệ của Phật Giáo" (Gems of Buddhist Wisdom), CBBEF, Taiwan, 1997, trang 473-483].