CHỦ NGHĨA THỰC DỤNG


y đã không dịch là “chủ nghĩa thực dụng” vì sợ hiểu sai, nên đã dịch là “chủ nghĩa hành dụng” (có thể sẽ lại có người thắc mắc: “hành dụng” theo cái gì?, “hành dụng” theo tinh thần nào?). Để hiểu rõ nên tìm hiểu học thuyết này.

Ý tưởng xây dựng một triết học không quá suy lý xa vời như những triết học kinh viện để giúp con người dùng được một cách hữu hiệu trong đời sống hiện thực đã được bàn luận rất sôi nổi trong các cuộc hội thảo ở Câu lạc bộ “Métaphysique Club” (Câu lạc bộ siêu hình học) của Trường Đại học Cambridge năm 1870. Nhưng chỉ mãi sau này với sự công bố học thuyết Về lòng tin của C.X Pierce thì những ý tưởng đó về triết học mới được đặt tên chính thức: “Pragmatisme” - chủ nghĩa thực dụng. Sự ra đời của chủ nghĩa thực dụng đã như diều gặp gió ở nước Mỹ, phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ. Ngay từ năm 1908 người ta đã tính được có tới 13 thuyết về chủ nghĩa thực dụng của các triết gia khác nhau. Cho tới nay chủ nghĩa thực dụng đã được giới triết học thế giới đánh giá là một đóng góp rất độc đáo và thật sự quan trọng của triết học Mỹ vào kho tàng triết học của nhân loại và khi nói đến chủ nghĩa thực dụng người ta chỉ nói đến ba khuôn mặt tiêu biểu nhất là: C.X Pierce, W.James và J.Dewey.

C.X Pierce với học thuyết Về lòng tin: Theo C.X Pierce muốn có lòng tin phải xây dựng được một phương pháp tư duy sáng suốt, chính xác để nhận biết những tư tưởng, lý thuyết nào đúng hay sai, tích cực hay tiêu cực trong việc tác động đến những hành động của chúng ta. Theo ông tư tưởng nào thì tạo ra hành động ấy. Nhưng tư tưởng giống nhau thì sẽ cho những kết quả giống nhau và ngược lại. Và nội dung của bất cứ tư tưởng nào cũng là tổng số của những hậu quả thực tiễn. Cho nên muốn đánh giá, muốn biết giá trị của một tư tưởng nào, một lý luận, học thuyết thì phải căn cứ vào những kết quả, những hậu quả đã được thể hiện kiểm nghiệm trong thực tiễn. Chỉ có như vậy mới xác định được tư tưởng nào, lý luận, học thuyết nào ta sẽ đặt lòng tin vào để dùng nó làm cơ sở, làm phương hướng cho hành động. Có thể hiểu chủ nghĩa thực dụng mà C.X Pierce nêu lên cũng là một thứ chủ nghĩa thực tiễn. Đây chính là một tư tưởng có tính chất phản kháng lại những chân lý mang tính chất suy lý, lý thuyết trường ốc, kinh viện từ châu Âu mang sang không thiết thực, đắc dụng với phần lớn người Mỹ, những người trong lịch sử đã rời bỏ tổ quốc, đất mẹ vượt Đại Tây Dương đến lục địa trẻ này để lập nghiệp, để tìm sự thành công để đổi đời nên chỉ nhìn cuộc sống với những con mắt hiện thực, thực tiễn để hành động. Những lý thuyết nêu trong chủ nghĩa thực dụng của C.X Pierce đã mang tính đột phá, mở đường.

Có thể nói, chỉ đến khi W.James xuất hiện với Học thuyết về chân lý mới thực sự đưa chủ nghĩa thực dụng lên địa vị đỉnh cao, sự ưu thắng đối với các trường phái triết học khác trong những thập niên đầu thế kỷ XX trong xã hội Mỹ. Nếu như C.X Pierce lấy hậu quả thực tiễn làm cơ sở xác định ý nghĩa của một tư tưởng thì W.James lại lấy hậu quả “có ích” để xác định sự đúng, sai của những tư tưởng – tức là xác định giá trị của chúng. W.James đã so sánh tư tưởng với việc phát hành giấy bạc. Tư tưởng chừng nào còn có ích, thì còn lưu hành được, tư tưởng nào không còn giá trị ích lợi nữa sẽ cũng giống như giấy bạc khi bị xuống giá, mất giá, phá giá khó có thể tiếp tục trao đổi, lưu hành được thì phải thay giấy bạc khác, đổi đồng tiền khác. Và ông đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng về chân lý: “Chân lý là cái gì đem lại những hậu quả có ích”.

Quan điểm này rất phù hợp với tinh thần, tính cách người Mỹ. Người Mỹ ghét tính bảo thủ và không thích chủ nghĩa sùng bái với mọi điều. Rời bỏ châu Âu và các vùng đất khác đến Mỹ - được coi là “miền đất hứa”, mọi người đều hiểu rằng: ai ai cũng có cơ hội như nhau, nên mọi người chỉ có thể sống bằng những nghị lực, phẩm chất, năng lực của chính mình. Muốn thành công ngoài nghị lực, sự lạc quan, lòng dũng cảm còn phải biết thích nghi, linh hoạt, uyển chuyển, nhanh nhạy, căn cứ vào hoàn cảnh, tình hình thực tế để hành động và mục tiêu tối hậu của hành động là tính hiệu quả, là đạt được những lợi ích hằng mong muốn.

Khi đưa ra định nghĩa: chân lý là cái có ích, W.James nói rõ quan điểm của ông: Chân lý là những điều không phải trừu tượng, chung chung mà rất cụ thể: Chân lý cho ai? Vì vậy sẽ có chân lý của những cá nhân, những nhóm người, những tập đoàn, những giai cấp, những nhà nước, những tôn giáo… và chân lý sẽ được phân hạng tùy thuộc vào tính chất của lợi ích. Tính chất lợi ích hạn hẹp cục bộ (chân lý thuộc hạng thấp). Tính chất lợi ích rộng rãi, bền vững, lâu dài (chân lý thuộc hạng cao). Tất cả những loại chân lý này đều hiện diện trong cuộc sống và chúng sẽ cọ sát, đấu tranh với nhau để khẳng định mình. Những chân lý nào thể hiện được tính thuyết phục, tính chắc chắn, đứng vững được sẽ là những chân lý được tin cậy. Và cũng theo W.James, chân lý dựa vào tính lợi ích sẽ không bao giờ có những loại chân lý vĩnh cửu, chân lý đúng mãi mãi với hiện thực.

Theo ông tất cả mọi nhiệm vụ triết lý của ta, nói cách khác phương pháp tư duy của ta là làm thế nào tìm ra được sự khác biệt của hiện thực ở từng thời đại, thời điểm, hoàn cảnh, điều kiện khác nhau để đưa ra những lối nhìn, những cách đánh giá khác nhau về những lợi ích. Vì vậy những chân lý không còn hợp thời, hợp thức thì phải loại bỏ hay chỉnh sửa để thay đổi phù hợp với hiện thực, với cách mạng, với tiến bộ và văn minh.

J.Dewey là nhà triết học, xã hội học và nghệ thuật học Mỹ nổi tiếng của trường phái Chicago. Tên tuổi ông gắn liền với bước phát triển của chủ nghĩa thực dụng ở giai đoạn cuối, nổi bật nhất là thuyết công cụ (L’Instrumentalisme). Theo J.Dewey bước vào thời đại ngày nay nhận thức phải được nhìn nhận khác trước. Những thời đại trước, các nhà triết học, các nhà khoa học coi việc nhận biết, tìm hiểu thế giới là quan trọng nhất. (nhận thức về những tính chất, bản chất, bản thể, các quy luật… của giới tự nhiên, xã hội, con người là gì?...) điều này là rất cần thiết.

Nhưng đã qua rồi thời kỳ con người mô tả thế giới, vẽ chân dung về thế giới, rồi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng thế giới. Giờ đây nhiệm vụ nhận thức của con người là cải tạo thế giới. Tức thế giới không còn là đối tượng để quan sát nữa, mà là đối tượng để cải tạo vì lợi ích của con người. Thế giới không còn là đối tượng của trực quan nữa mà là đối tượng của thực tiễn. Vì vậy nhận thức phải trở thành những công cụ để cải tạo thế giới đem lại những hiệu quả có ích. Những công cụ nhận thức này (hiểu là sản phẩm trí tuệ, kiến thức gồm: những lý luận, những lý thuyết, những học thuyết, những tư tưởng của mọi lĩnh vực) phải được sáng tạo được “chế” ra trên cơ sở bám sát vào những hoàn cảnh, những điều kiện, những thời điểm, những yêu cầu của thực tiễn.

Có gì khác khi Chủ nghĩa Marx coi thực tiễn là mục đích của nhận thức, còn J.Dewey thì coi nhận thức phải có nhiệm vụ cải tạo thực tiễn? Nhận thức là nhận thức về mọi điều. Marx nói: “Thực tiễn là mục đích của nhận thức” là để nói về nhiệm vụ của nhận thức (hiểu là nhiệm vụ quan trọng nhất). Còn J.Dewey lại nói về tính chất của nhận thức: Nhận thức phải được coi như những công cụ (giống như những công cụ mang tính chất vật thể khác) tác động vào thế giới, cải tạo thế giới. Những công cụ nhận thức là những công cụ phi vật thể - là những công cụ tinh thần và trí tuệ có những khả năng và công hiệu rất lớn.

Vào thời J.Dewey khoa học kỹ thuật chưa phát triển rực rỡ như sau này để đưa ra khái niệm về “nền kinh tế trí thức” nhưng tư tưởng này đã đánh hơi về những khả năng siêu mạnh của “công cụ nhận thức”, “công cụ trí tuệ” sẽ có thể làm được mọi điều. Chủ nghĩa thực dụng phát triển mạnh ở nửa đầu thế kỷ XX, giai đoạn sau đó phân tán. Một bộ phận đi đến với chủ nghĩa Thomas mới, một bộ phận đi đến với chủ nghĩa chứng thực logic, chủ nghĩa hậu cấu trúc, chú ý nhiều đến việc nghiên cứu ngôn ngữ.

Riêng J.Dewey còn nghiên cứu thêm về nghệ thuật (trên cơ sở nghiên cứu ngôn ngữ). Ông cho rằng, tất cả các môn nghệ thuật đều được thể hiện, biểu lộ bằng “ngôn ngữ tín hiệu”, và quan trọng hơn, không có những quy luật chung để hiểu ý nghĩa cho ngay cả riêng một loạt ngôn ngữ nghệ thuật. Do vậy, để hiểu thì cần phải căn cứ vào thời đại, thời điểm, điều kiện, hoàn cảnh, cũng như cần được trải nghiệm trong một cộng đồng cụ thể nào đó - tức trong những “văn cảnh” diễn ra nghệ thuật.

Người Mỹ ít có giải Nobel của những sáng tạo kiểu như J.P.Sartre, A.Camus, G.Garcia Marquez… thích triết lý, suy tư, mô tả về bản chất, thân phận, số kiếp, cuộc đời của những con người, nhưng lại có rất nhiều sáng tạo được giải Nobel từ việc đem lại những lợi ích thiết thực cho xã hội, cho con người ở nhiều lĩnh vực: vật lý, hóa học, y học, sinh học, kinh tế học… Rồi cũng có rất nhiều những thành công, thành tựu ấn tượng, độc đáo, lớn lao của những cá nhân, những nhóm, những tập đoàn, những cộng đồng… và với cả nước Mỹ như chúng ta đã thấy, đã có phần đóng góp quan trọng của những tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng - một triết học đề cao tinh thần năng động, nhạy bén, linh hoạt, uyển chuyển để biết thích nghi với thực tiễn trong mọi hoàn cảnh, điều kiện của đời sống và với chân lý đề cao tính hiệu quả, sự ích lợi cho những hoạt động, hành động, những công việc được tiến hành.

Trong tình hình khủng hoảng, suy thoái kinh tế ở châu Âu cũng như nhiều nước khác trên thế giới hiện nay mà Việt Nam đang bị ảnh hưởng, tác động nhiều; nếu vận dụng tốt những tư tưởng của chủ nghĩa thực dụng sẽ đem lại những điều tích cực. Một ví dụ: Chẳng hạn cần phải nhanh nhạy, năng động, uyển chuyển, linh hoạt dựa trên những điều kiện, hoàn cảnh, tình hình thực tiễn của mỗi công việc, mỗi đơn vị, mỗi bộ phận, mỗi ngành kinh tế, đưa ra những quyết định, những hành động để thực thi những nhiệm vụ về lợi ích ngắn hạn, hay lợi ích trung hạn, lợi ích dài hạn như thế nào cho thích hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất, thực tế nhất và điều rất quan trọng hiện nay.

Like This Post? Please share!

  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...
Scroll to top