Hơn 2000 năm tồn tại ở Việt Nam, Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng khá đậm nét đến lối sống của người Việt.
Phật giáo đã có những đóng góp to lớn cho nền văn hoá nhân loại. Hơn 2.500 năm qua, trong quá trình phát triển, Phật giáo đã kế thừa nhiều thành tựu văn hoá của loài người và biến chúng thành những giá trị của riêng mình. Đến lượt mình, Phật giáo lại góp phần làm nên bản sắc văn hoá độc đáo của không ít các quốc gia dân tộc - nơi mà nó đứng chân.
Với dân tộc Việt Nam, không thể phủ nhận được rằng, Phật giáo là một trong những thành tố quan trọng góp phần làm nên bản sắc văn hoá dân tộc, là một phần không thể thiếu trong nền văn hoá Việt. Hơn 2.000 năm tồn tại ở Việt Nam, Phật giáo đã để lại dấu ấn sâu đậm trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Nó không chỉ tác động sâu sắc tới tâm lý, đạo đức của người dân Việt, mà còn có ảnh hưởng khá đậm nét trong cách thức giao tiếp, ứng xử, trong phong tục, tập quán của người Việt Nam. Hay nói cách khác, Phật giáo đã góp phần hình thành những giá trị, chuẩn mực trong lối sống của người Việt Nam.
Phật giáo đã xây dựng được cho mình một hệ thống giáo lý đạo đức khá hoàn chỉnh. Trong đạo đức Phật giáo, trách nhiệm của mỗi người với những hành vi thiện ác của thân, tâm mình rất được đề cao. Đức Phật dạy rằng, “Làm dữ ở nơi ta mà ô nhiễm cũng bởi ta; làm lành bởi ta mà thanh tịnh cũng bởi ta chứ không ai có thể làm cho ai thanh tịnh được”. Bát chính đạo với tám con đường giải thoát mà Đức Phật đã chỉ ra chính là cách thức để phá bỏ sự mê muội, thoát khỏi vô minh, đạt trí tuệ bát nhã. Đức Phật đã dùng thuyết nhân quả, luân hồi, nghiệp báo để lý giải cái khổ của con người qua các kiếp sống khác nhau. Bên cạnh đó, Ngài còn đưa ra một hệ thống các phạm trù đạo đức được thể hiện qua Lục độ (bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, thiền định, trí tuệ), Lục hoà (thân hòa cùng trụ, khẩu hòa vô tranh, giới hòa đồng tu, ý hòa đồng duyệt, kiến hòa đồng giải, lợi hòa đồng quân), Thập thiện (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai chiều, không ác khẩu, không tham lam), Tứ ân (ân Tam Bảo, ân người giúp đỡ, ân cha mẹ, ân quốc gia), từ bi, hỉ xả (từ là tình thương, lòng nhân ái đối với người khác; bi là buồn với cái buồn của người khác, khổ vì cái khổ của người khác; hỉ là vui cùng cái vui của người khác; xả là tha thứ những lỗi lầm của người khác, chấp nhận từ bỏ danh vọng, tài sắc, tính mạng của mình nếu thấy cần và có lợi cho người khác)...
Những chuẩn mực trong hệ thống đạo đức Phật giáo rất gần gũi với giá trị đạo đức truyền thống của người Việt Nam, nên chúng đã nhanh chóng được người dân Việt Nam đón nhận. Trải qua quá trình lâu dài đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo với những giá trị nhân văn, nhân bản của nó đã góp phần hình thành lối sống của con người Việt Nam trong lịch sử cũng như hiện nay.
Thực tế lịch sử dân tộc đã chứng minh rằng, sự khoan dung, hiếu hoà, độ lượng trong đường lối trị quốc của các triều đại Lý - Trần (giai đoạn mà Phật giáo giữ vai trò là hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội) là có sự đóng góp rất lớn của Phật giáo. Các giai đoạn lịch sử sau này, mặc dù Phật giáo không còn là hệ tư tưởng chủ đạo của xã hội nhưng nó vẫn có những ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều chỉnh hành vi đạo đức của con người Việt Nam. Nhiều phạm trù đạo đức Phật giáo tham gia vào nền đạo đức của dân tộc trong lịch sử, giờ đây đã trở thành lời ăn tiếng nói, trở thành phương tiện diễn đạt quan niệm đạo đức truyền thống của người dân Việt Nam. Các phạm trù, như “từ bi, hỉ xả”, “vô ngã, vị tha”, “cứu nhân độ thế”, “tu nhân tích đức”, “sống nhân từ để phúc cho đời sau”... đã không còn là những thuật ngữ nguyên nghĩa của riêng Phật giáo, mà đã trở thành một phần trong lẽ sống của người Việt, trở thành ngôn ngữ của đạo đức thực tiễn. Hình ảnh Đức Phật được hoá thân thành ông Bụt nhân từ, đôn hậu trong văn học dân gian Việt Nam từ lâu đã thấm đượm vào nếp sống, nếp nghĩ của người dân Việt và ngày nay nó vẫn có ý nghĩa giáo dục đạo đức rất lớn đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Thuyết nhân quả, nghiệp báo của nhà Phật gặp gỡ với tín ngưỡng thác sinh của người Việt từ lâu đã lan toả thành nếp sống, nếp nghĩ “ở hiền gặp lành”, “ác giả ác báo”, “nhân nào quả ấy”... trong nhân dân. Tuy có những hạn chế nhất định là đã tạo ra ý thức về định mệnh, nhưng xét dưới góc độ đạo đức, lý thuyết này của nhà Phật đề cao việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cá nhân, hướng mọi người đến những ý nghĩ và hành động thiện, bài trừ cái ác, cái xấu, đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người với bản thân và xã hội. Bên cạnh đó, cùng với Nho giáo và Lão giáo, thuyết Tứ ân của nhà Phật đã hoà nhập với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt và nâng tín ngưỡng này lên thành một đạo lý có tính bền chắc, tồn tại qua nhiều thế hệ người Việt. Có thể nói, những quan niệm đạo đức Phật giáo đã có tác động rất lớn đến đời sống đạo đức của xã hội Việt Nam, góp phần hình thành nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.
Cách thức giao tiếp, ứng xử của người Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất lớn bởi các quan niệm của Phật giáo. Trong Bát chính đạo của nhà Phật, có chính ngữ (giữ cho lời nói được đúng mực), đó chính là một trong các điều kiện để con người có thể ứng xử phù hợp với tha nhân. Trong nhiều kinh điển của nhà Phật có nhắc đến việc chúng sinh phải nói lời hòa nhã, nói lời tử tế, không nói lời cay độc, không nói lời giả dối, không nói tâng bốc hay mạt sát. Những tư tưởng đó còn được thể hiện cụ thể bằng các giới cấm trong Ngũ giới và trong Thập thiện, như không nói dối, không nói lời thêu dệt, không nói hai chiều, không nói ác khẩu... Trong giao tiếp với tha nhân, Đức Phật dạy rằng, không được đề cao thái quá cũng không được hạ thấp tận cùng. Điều gì bạn muốn nói có thể gây đau khổ mà không đúng sự thật, thì không nên nói. Điều gì hữu ích mà không đúng sự thật thì cũng không nên nói. Điều gì có thể gây đau khổ nhưng đúng với sự thật thì cũng đừng nên nói. Điều gì mang lại lợi ích và đúng với sự thật thì hãy đợi đúng lúc mà nói. Những quan niệm này của Phật giáo đã có ảnh hưởng nhất định đến cách thức ứng xử, giao tiếp của người Việt Nam. Dân gian Việt Nam có câu: “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Ngoài ra, những quy định về cách ứng xử trong Lục độ, Lục hoà của nhà Phật không chỉ có ý nghĩa đối với cuộc sống của tăng đoàn, mà còn có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng một thế ứng xử hoà hợp, tương thân trong một cộng đồng, một xã hội, một quốc gia và toàn nhân loại. Những chuẩn mực này ít nhiều đều đã có ảnh hưởng đến cách thức ứng xử, giao tiếp của người Việt Nam hiện nay.
Về ứng xử, giao tiếp trong gia đình, Phật giáo luôn đề cao sự hoà thuận và trách nhiệm của các bậc làm cha, làm mẹ. Đức Phật dạy rằng, vợ chồng phải thương yêu, chung thuỷ với nhau. Cha mẹ phải có trách nhiệm khuyên bảo con làm điều thiện, ngăn chặn con làm điều ác, dạy cho con nghề nghiệp, lo việc cưới vợ gả chồng cho con và trao truyền sự thừa kế cho con vào thời gian thích hợp... Đồng thời, Phật giáo cũng đề cao sự hiếu thuận của con cái với ông bà, cha mẹ thông qua thực việc hiện Tứ ân. Một gia đình hoàn mỹ, theo quan niệm Phật giáo, phải lấy tình thương yêu làm trọng và các thành viên trong gia đình phải vừa tự mình vượt khổ, vừa giúp nhau thoát khổ để đạt hạnh phúc. Tục ngữ, ca dao Việt Nam cũng đề cập đến rất nhiều cách thức giao tiếp, ứng xử hoà thuận, hiếu nghĩa của các thành viên trong gia đình, như “Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”; “Chị ngã, em nâng”; “Môi hở răng lạnh”; “Máu chảy ruột mềm”; “Anh em chém nhau đằng sống”... Theo chúng tôi, lối ứng xử này của người Việt là kết quả được hình thành từ sự tổng hợp của nhiều yếu tố trong truyền thống văn hoá Việt Nam. Mặc dù trong đó chúng ta không thể định lượng được mức độ ảnh hưởng của Phật giáo, nhưng có thể nói rằng, cùng với Nho giáo và Lão giáo, Phật giáo đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành cách thức giao tiếp, ứng xử nói trên.
Trong giao tiếp, ứng xử với cộng đồng, Phật giáo chủ trương thiết lập quan hệ bình đẳng giữa các tha nhân. Đức Phật dạy rằng, mọi tha nhân đều bình đẳng như nhau, vì trong mỗi tha nhân đều có tính Phật, nếu biết cách tu tập, con người sẽ đoạn trừ được vô minh, tham ái đạt giải thoát. Theo quan niệm của nhà Phật, trong giao tiếp hoàn toàn không có sự phân biệt thành phần xuất thân và điều kiện sống. Ngài đã từng nói rằng, “ta là Phật đã thành còn các ngươi là Phật sẽ thành”. Đức Phật còn chỉ rõ, trong giao tiếp với tha nhân, mỗi cá nhân không được cầu lợi cho mình. Nhìn chung, theo quan niệm nhà Phật, lời nói được sử dụng trong giao tiếp không chỉ nhằm mục đích đạt được hiệu quả giao tiếp, mà quan trọng hơn còn là xây dựng, củng cố tình thương giữa tha nhân. Trong dân gian, người Việt cũng vẫn thường nhắn nhủ nhau rằng, “Một điều nhịn, chín điều lành”, “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, “Lá lành đùm lá rách”, “Thương người như thể thương thân”... Có thể nói, đây là những quan niệm của Phật giáo đã được Việt hóa, trở thành những giá trị văn hoá truyền thống, thành thói quen giao tiếp ứng xử cộng đồng của người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng thật khó để có thể khẳng định các câu thành ngữ của người Việt, như “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, “Lời nói gói vàng, lời nói đọi máu”; “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”... có nguồn gốc xuất phát từ đâu, nhưng rõ ràng chúng ta có thể tìm thấy sự tương đồng của những tư tưởng đó trong quan niệm của Phật giáo và một số tôn giáo khác ở Việt Nam.
Không chỉ chú trọng cách thức giao tiếp trong quan hệ giữa người với người, Đức Phật còn chú trọng đến cả cách thức ứng xử của con người với môi trường thiên nhiên. Từ trong giáo lý nguyên thủy của mình, Đức Phật đã khuyên con người nên chung sống hài hòa với thiên nhiên. Hạn chế dục vọng, sống hòa mình với muôn loài cỏ cây, hoa lá, chim muông, yêu thương cả con sâu, cái kiến... đã trở thành những chuẩn mực trong đạo đức Phật giáo. Một trong những điều răn trong “Ngũ giới” của Phật giáo là “cấm sát sinh”, tức không chỉ cấm giết người mà còn cấm giết các loài động vật khác. Mùa An cư kiết hạ hàng năm mà Giáo hội Phật giáo các nước đang thực hiện cũng bắt nguồn từ lời răn của Đức Phật là không làm hại các sinh linh khác.
Ngay từ buổi đầu mới du nhập vào Việt Nam, quan niệm sống hài hoà với thiên nhiên của Phật giáo đã nhanh chóng được người dân Việt đón nhận, vì nó phù hợp với điều kiện và môi trường sống của người Việt. Tôn trọng tự nhiên, sống hài hòa với tự nhiên đã trở thành một trong những lẽ sống của người Việt. Lẽ sống ấy đã đi vào thi ca, nhạc họa và trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống của người Việt Nam.
Phật giáo không chỉ có ảnh hưởng đến đạo đức, đến cách thức ứng xử, giao tiếp, mà còn in đậm dấu ấn của mình trong phong tục, tập quán của người dân Việt Nam. Ngay từ giai đoạn đầu tiên có mặt ở Việt Nam, Phật giáo đã hòa nhập với triết lý Mẹ sinh của dân tộc để hình thành nên hiện tượng thờ Tứ pháp ở trung tâm Luy Lâu. Phật giáo Ấn Độ khi vào nước ta đã nhanh chóng được Việt hóa, đưa vào trong đó các yếu tố văn hóa bản địa Việt Nam. Trong Phật giáo có hệ thống tín ngưỡng nguyên thủy của cư dân nông nghiệp lúa nước, có Thần Công, Thổ Địa, có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc, tín ngưỡng thờ thành hoàng, tín ngưỡng thờ mẫu và có cả Nho giáo, Lão giáo đã qua lăng kính tiếp thu của người Việt...
Chính vì đi vào dân gian, hoà nhập với hệ thống tín ngưỡng của cư dân bản địa nên Phật giáo đã tự tạo cho mình một sức sống lâu bền trong cộng đồng dân tộc. Trong quá trình tồn tại và thích nghi, Phật giáo đã góp phần không nhỏ trong việc củng cố, duy trì phong tục, tập quán của người Việt Nam.
Như đã nói ở trên, chùa trong tâm thức của người dân Việt Nam không chỉ là nơi thờ Phật, mà còn là nơi thờ Mẫu, thờ Thần, thờ tổ tiên và thờ các anh hùng dân tộc. Chính vì vậy, người dân Việt Nam đến chùa không phải chỉ để lễ Phật, mà còn lễ mẫu, lễ thần, tưởng nhớ tổ tiên, dòng tộc và tưởng nhớ các anh hùng dân tộc. Thậm chí, Đức Phật cũng trở thành một vị thần có nhiều phép quyền năng giống như những vị thần khác trong tâm thức của người dân Việt Nam. Đối với đại đa số người dân Việt Nam, mặc dù không tự nhận mình là người theo Phật giáo nhưng vẫn thường xuyên đến chùa. Họ không hiểu thấu đáo những lý thuyết của nhà Phật, như “Tứ diệu đế” hay “Bát chính đạo”; không biết cặn kẽ thuyết “Nhân quả”, “Luân hồi”, nhưng họ có thể tin những điều đó dưới góc độ luân lý, đạo đức. Đa số người Việt đến chùa, người nhiều thì có thể thuộc một vài bài kinh, còn lại chỉ biết mấy câu niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát”. Họ đến chùa không phải với mong muốn hiểu thấu đáo giáo lý nhà Phật, mà với mong muốn cầu mong Thần, Phật đem lại cho gia đình họ nhiều may mắn, phúc lộc, tai qua nạn khỏi.
Phật giáo từ lâu đã ăn sâu vào cuộc sống tâm linh của cộng đồng làng, xã Việt Nam. Chùa thờ Phật trở thành chùa làng, trở thành nơi giải trí chung của cả cộng đồng. Sinh hoạt Phật giáo đã trở thành một sinh hoạt văn hoá trong đời sống thường nhật của người dân. Chùa thờ Phật còn là không gian thiêng để người dân Việt gửi gắm niềm tin. Họ tin vào niềm tin linh thiêng nhân quả của nhà Phật, tin vào sự chứng giám anh minh, ở hiền gặp lành của một Phật Bà nghìn mắt, nghìn tay thấu hiểu mọi khổ ải của chúng sinh, tin vào sự trợ giúp của các vị Thần nơi cửa Phật. Chính vì niềm tin ấy, ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng rất đông người dân từ thành thị đến thôn quê đã đến chùa lễ Phật, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc, mong bình an hạnh phúc cho bản thân và gia đình. Các ngày lễ lớn của Phật giáo, như rằm tháng tư, rằm tháng bẩy... hiện không còn là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung của rất nhiều người dân Việt Nam. Không chỉ đến chùa lễ Phật, vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, đại đa số các gia đình Việt Nam hiện nay đều sắm lễ để thắp hương tổ tiên gia tộc trong gia đình mình. Vào ngày tết cổ truyền của dân tộc rất đông người dân từ thị thành đến thôn quê thường kéo nhau đến chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm. Dân gian tin rằng, hái lộc và lễ chùa đầu xuân sẽ đem lại nhiều may mắn và tốt lành cho bản thân họ và gia đình trong một năm mới.
Bên cạnh đó, tục phóng sinh, ăn chay và bố thí vào các dịp lễ của Phật giáo cũng đang dần trở thành nếp sống của một bộ phận nhân dân Việt Nam. Một số chùa ở các thành phố lớn, như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh... thường xuyên tổ chức nấu cơm chay vào ngày rằm và mùng một hàng tháng để phục vụ các phật tử và khá đông khách thập phương đến lễ chùa. Cùng với phóng sinh, ăn chay, tinh thần từ bi, cứu khổ của nhà Phật hiện nay không chỉ chi phối hành động của các tín đồ Phật giáo, mà còn có sức lan tỏa rộng rãi trong toàn xã hội. Tinh thần ấy đã gặp gỡ với giá trị văn hoá đạo đức truyền thống bao dung, nhân hậu của dân tộc Việt Nam nên nó ngày càng thu hút được sự quan tâm của đông đảo nhân dân.
Trong khá nhiều ngôi chùa của người Việt hiện nay còn có ban thờ dành cho các gia đình đặt di ảnh người quá cố. Thậm chí, ở một số chùa như chùa Phụng Thánh, chùa Phúc Khánh - Hà Nội, chùa Vĩnh Nghiêm - thành phố Hồ Chí Minh... còn dành hẳn một gian nhà riêng cho các gia đình có nhu cầu đặt di ảnh và bát hương thờ người quá cố. Chính ở đây, Phật giáo cũng đã và đang góp phần nuôi dưỡng, duy trì đạo lý nhớ ơn tổ tiên của người dân Việt. Chúng tôi tin rằng, phong tục này sẽ vẫn còn được duy trì lâu dài như một nét văn hóa, một biểu hiện sinh động cho sự dung hòa Phật giáo với giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam.
Có thể nói, mặc dù trong thời hiện đại, môi trường sống cũng như các mối quan hệ của con người đã có khá nhiều biến đổi căn bản, nhưng những tư tưởng Phật giáo, những giá trị truyền thống của dân tộc được Phật giáo dung nạp và bồi đắp hàng ngàn năm qua vẫn hiện hữu trong lối sống người Việt Nam hiện nay.