TAM GIÁO ĐỒNG NGUYÊN THỜI TRẦN


Triều Trần luôn luôn được coi là triều đại có sự phát triển rực rỡ của các tôn giáo, cho dù Phật giáo vẫn là tôn giáo được coi trọng và đề cao. Trên bình diện chung của những nhận thức và quan điểm về Nho - Phật - Đạo, với mỗi tôn giáo các vị vua nhà Trần lại thể hiện một thái độ và một cách hành xử riêng.





Dưới thời Trần, Nho - Phật - Đạo đều có chỗ đứng của mình. Nếu Nho giáo là rường cột trong thể chế chính trị quốc gia thì Phật giáo là tư tưởng chủ đạo trong đời sống tinh thần và Đạo giáo là để phục vụ đời sống tín ngưỡng phong phú của người dân Đại Việt bấy giờ.

1. Quan điểm về Phật giáo

Trong ba tôn giáo, Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo thì Phật giáo là tôn giáo được nhà Trần đề cao và coi trọng trong xã hội. Thời bấy giờ số người mộ Phật rất đông, cả trong tầng lớp vua quan quý tộc cũng như giới bình dân trong xã hội. Và do vậy, Phật giáo đã đóng một vai trò quan trọng, có ảnh hưởng và tác động lên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đạo Phật đã trở thành một giá trị đặc sắc của văn hoá Việt Nam dưới thời Trần.

Những ông vua nhà Trần cũng là những người sớm mộ đạo và biết vận dụng sức mạnh của Phật giáo vào công cuộc trị nước. Trần Thái Tông đến với đạo Phật từ rất sớm, ngay khi nhà vua lên ngôi đã có tham cứu đạo Thiền và đã đạt được những thành công nhất định. Trần Thánh Tông cũng khẳng định mình ngay từ ngày trẻ đã học đạo, như trong bài Tự thuật, vua đã nói:

Phiên âm: Tự tòng quán giốc nhập thiền lưu

Đả ngoã toàn quy[i] một ngoại cầu

Nhận đắc bản lai chân diện mục

Đáo đầu hà xứ bất hưu hưu

Dịch nghĩa: Ta từ thuở trái đào đã gia nhập dòng thiền

Dùi rùa đập ngói không cầu gì khác

Đã nhận ra được bộ mặt thật vốn có

Thì đến đâu mà chẳng thung dung.

Trần Nhân Tông, Trần Anh Tông, Trần Minh Tông cũng là những ông vua mộ Phật, Nhân Tông còn là người sáng lập ra một dòng thiền rất nổi tiếng của Việt Nam, đó là dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Có thể nói, nhà Trần là thời đại mà Phật giáo thật sự hoà nhập vào lòng dân tộc từ hình thức đến nội dung, yếu tố đưa đến thành công và những đặc sắc của đạo Phật là không tách rời với sự phát triển của dân tộc. Tôn giáo lúc này không thuần tuý chỉ là một bộ phận của xã hội, tôn giáo cũng không đứng độc lập bên ngoài chính trị mà nó ẩn chứa bên trong của những đối sách, những chủ trương của vua quan nhà Trần. Đạo Phật trí tuệ tập hợp những tâm hồn yêu nước, thương dân, đoàn kết một lòng mọi người với ông Bụt từ bi, với Quan Âm cứu khổ và giáo lý thực tiễn không tách rời cuộc sống bằng thân, khẩu, ý.

Đặc sắc của Phật giáo đời Trần là tính tích cực nhập thế Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian pháp (Phật pháp ở tại thế gian, không xa rời thế gian). Đạo không tách rời đời và đời cũng không thiếu vắng đạo, nó trở thành một hợp thể linh động, sáng tạo và diệu dụng trong mọi hoàn cảnh. Có thể nói rằng các vị vua nhà Trần đã sử dụng đúng tiềm năng của đạo Phật, khiến cho nó trở thành Phật giáo Việt Nam mà không phải Phật giáo Trung Hoa hay Ấn Độ từ cái nhìn cho đến hành động.

Phật giáo với tư tưởng truyền thống ái quốc, những ông vua đời Trần bấy giờ mà hàng đầu là vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông là những ông vua đã biết lấy lòng dân làm lòng mình, lấy ý muốn của dân làm ý muốn của mình. Lời khuyên của Quốc sư Viên Chứng[ii] đối với vua Trần Thái Tông, khi vua bỏ ngôi lên núi cầu làm Phật mà nhà vua đã ghi trong bài tựa sách Thiền Tông chỉ nam như sau:

Phiên âm: Phàm vi nhân quân giả, dĩ thiên hạ chi dục vi dục, dĩ thiên hạ chi tâm vi tâm. Kim thiên hạ dục nghênh bệ hạ quy chi, tắc bệ hạ an đắc bất quy tai! Nhiên nội điển[iii] chi cứu, nguyện bệ hạ vô vong tư tu nhĩ.

Dịch nghĩa: Phàm đã là người làm vua, tất phải lấy ý muốn của thiên hạ làm ý muốn của mình, lấy tấm lòng của thiên hạ làm tấm lòng của mình. Nay muôn dân muốn rước bệ hạ về thì bệ hạ sao có thể không về được? Duy có việc nghiên cứu nội điển, xin bệ hạ chớ sao lãng mà thôi.

Lời khuyên này của Quốc sư Viên Chứng đã thể hiện sự nhập thế sâu sắc của Phật giáo trong đời sống xã hội. Có thể nói đây là một trong những thành công nổi bật của Trần Thái Tông nói riêng, cũng như các vị vua nhà Trần nói chung trong việc trị nước. Sau này, Trần Nhân Tông cũng đã lĩnh hội rất tốt tinh thần này của Trần Thái Tông và có nhiều chính sách nhằm phát huy tính nhập thế tích cực của đạo Phật trong xã hội. Trong phần sau, khi nói về chính sách tôn giáo của nhà Trần, chúng tôi sẽ bàn thêm về vấn đề này.

Trong sức mạnh của tinh thần đoàn kết mà quân dân nhà Trần có được, thực tiễn đã chứng minh và khẳng định có tư tưởng của đạo Phật, mà các vị vua Trần là những phật tử thuần thành, đồng thời cũng là những thiền sư, đã sống và điều hành đất nước bằng tinh thần Phật giáo. Nhờ vậy đã hội tụ được những tướng sĩ tài ba thao lược, biết đồng tâm đoàn kết. Tinh thần từ bi hỉ xả của đạo Phật đã là cơ sở cho sự đoàn kết nhân tâm, đoàn kết tôn giáo, được kết hợp với tinh thần nồng nàn yêu nước của dân tộc Việt Nam, rõ ràng không chỉ làm nên một bản lĩnh ý chí chiến đấu mà còn là nền tảng của chính sách ngoại giao mềm dẻo, đức độ, cao thượng tạo nên sức mạnh tổng hợp của dân tộc.

Đạo Phật đã trở thành biểu trưng của nền văn hoá Đại Việt thời bấy giờ và là dấu hiệu của sự khác biệt giữa Nam và Bắc, giữa Trung Quốc và Việt Nam. Cách tiếp cận này là sự khẳng định việc nhìn nhận Phật giáo trên quan điểm nhà nước để từ đó, vua quan nhà Trần đã tạo cho Phật giáo những điều kiện tốt nhất để phát triển. Trong Đại Việt sử ký toàn thư có ghi chép về những việc này rất cụ thể:

Năm Tân Mão (1231) Thượng hoàng (Trần Thừa) xuống chiếu rằng trong nước hễ chỗ nào có đình trạm thì đều phải đắp tượng Phật để thờ.

Năm Kỷ Dậu (1249) Mùa xuân, tháng Giêng, Thượng hoàng Trần Thái Tông xuống chiếu cho sửa lại chùa Diên Hựu trên nền đất cũ.

Năm Nhâm Tuất (1262) Trần Thánh Tông cho đổi hương Tức Mặc làm phủ Thiên Trường, cung gọi là cung Trùng Quang, phía Tây cung Trùng Quang cho xây chùa Phổ Minh để các Thái Thượng hoàng khi về đây lễ Phật.

Năm Mậu Tuất (1298) Trần Anh Tông cho in các sách Phật giáo pháp sự, Đạo trường tân văn, Công văn cách thức ban hành trong thiên hạ.

Năm Quý Mão (1303) mùa xuân, ngày rằm tháng Giêng, Thượng hoàng ở phủ Thiên Trường, mở hội Vô Lượng pháp ở chùa Phổ Minh, bố thí vàng bạc tiền lụa để chẩn cấp cho dân nghèo trong nước và giảng kinh Giới thí.

Tựu chung, những việc làm như thế ở đời Trần diễn ra rất nhiều. Bấy giờ có kẻ nho thần là Lê Quát[iv] từng làm bài văn bia ở chùa Thiệu Phúc (Bắc Giang) để nói về đạo Phật thời đó như sau: Thuyết hoạ phúc của nhà Phật tác động tới con người, sao mà được người ta tin theo sâu sắc và bền vững đến vậy? Trên từ vương công, dưới đến dân thường, hễ bố thí vào việc nhà Phật, thì dẫu có đến hết tiền của cũng không sẻn tiếc. Nếu ngày nay gửi gắm vào tháp chùa thì mừng rỡ như nắm được khoán ước để được lấy quả báo ngày sau. Cho nên từ trong kinh thành, ngoài đến châu, phủ, cho tới thôn cùng ngõ hẻm, không mệnh lệnh mà người ta vẫn theo, không thề thốt mà người ta vẫn tin. Chỗ nào có người ở tất có chùa Phật, bỏ rồi lại xây, hỏng rồi lại sửa, chiêng trống lâu đài chiếm đến phân nửa so với dân cư. Đạo Phật được hưng thịnh rất dễ mà lại được tôn sùng rất mực. Ta thuở trẻ đọc sách, để tâm khảo xét xưa nay, cũng hiểu sơ sơ đạo của Thánh nhân để giáo hoá dân chúng mà rốt cuộc vẫn chưa được một hương tin theo. Ta thường dạo xem sông núi, vết chân trên khắp nửa thiên hạ, đi tìm những. Học cung, Văn miếu mà chưa hề thấy một ngôi nào! Đó là điều khiến ta vô cùng hổ thẹn với bọn tín đồ nhà Phật. Bèn viết ra đây để tỏ lòng ta.

2. Quan điểm về Nho giáo

Dưới thời Trần, Nho giáo cũng đóng một vai trò quan trọng. Nhà Trần gây dựng cơ nghiệp cũng phải dựa vào Nho giáo, kẻ sỹ nho giáo dưới thời Trần cũng rất được trọng vọng. Các vị vua nhà Trần luôn có những chính sách ưu đãi để thu hút nhân tài. Nếu nhà Lý là triều đại đã có công xây dựng, kiến tạo trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Văn miếu Quốc Tử Giám, thì nhà Trần là triều đại đã có công đưa nơi đây thành một trung tâm đào tạo nhân tài cho cả nước. Việc vua Trần Thánh Tông xuống chiếu chọn người tài trong thiên hạ để giữ chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám đủ biết các vua Trần đã coi trọng việc giáo dục Nho giáo dưới thời Trần như thế nào! Những việc học tập, thi cử đi vào nề nếp cũng bắt đầu từ đời Trần, kẻ sỹ Nho giáo được mặc sức thi thố tài năng và được đem cái học, cái tài của mình ra để phục vụ đất nước, phục vụ dân tộc.

Mở mang Nho học để xây dựng nước nhà cường thịnh, đó chính là mục tiêu mà các vua nhà Trần đặt ra. Trần Thái Tông tự tay viết bài minh ban cho các hoàng tử, dạy về trung, hiếu, hoà, tốn, ôn, lương, cung, kiệm. Trần Thánh Tông cho hoàng đệ Trần ích Tắc mở trường dạy Nho học. Ông cũng chính là người chỉ đạo và tham gia giám sát quá trình làm bộ sử đầu tiên của nước ta là bộ Đại Việt sử ký do Bảng nhãn Lê Văn Hưu chủ biên. Vua Nghệ Tông trước khi nhường ngôi cho em đã soạn 14 chương Hoằng huấn trao cho em để học tập, trau dồi việc trị nước.

Vua Trần Thái Tông lên ngôi năm 1225, thì đến năm 1227 đã cho mở khoa thi thông tam giáo đầu tiên, chọn những người thông tuệ cả Nho - Phật - Đạo để bổ làm quan. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi lại: “Để động viên, khích lệ tăng sỹ, các vương hầu bổ quan tăng đạo gọi là Tả nhai, vì không để cho đứng vào hàng ngũ các quan trong triều nên gọi là Tả nhai. Đây cũng là phẩm cao nhất của Tăng đạo, không phải là người thông thạo tôn giáo của mình thì không được dự càn. Tháng 3 năm Giáp Thìn phong cho Phùng Tá Khang và cha là Phùng Tá Chu làm Tả nhai đạo lục, tước Tả lang"[v]. Đến năm 1232 lại mở khoa thi Thái học sinh[vi], xếp những người đỗ đầu từ nhất giáp đến tam giáp. Năm 1246 định lại phép thi, theo lệ cứ bảy năm thi một khoa, gọi là khoa thi Tiến sỹ, người đỗ đầu không chia nhất, nhị, tam giáp nữa mà chia ba người đỗ đầu lần lượt từ cao xuống thấp là Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa. Năm Đinh Mùi 1247 thi Tiến sỹ[vii]. Để tạo điều kiện cho các sĩ tử ở xa kinh thành được thi thố tài năng và cũng là để khuyến khích kẻ sĩ, vua Thái Tông còn cho lấy Trạng nguyên kinh và Trạng nguyên Trại[viii]. Riêng dưới thời Trần Thái Tông đã tổ chức 6 khoa thi, trong đó có hai khoa thi thông tam giáo.

Năm Quý Sửu 1253 cho lập Quốc Học viện, cho đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và á Thánh để thờ, lại cho vẽ tranh thất thập nhị hiền để phối thờ và làm gương cho đời sau noi theo. Nhà Trần cũng cho mời các nho sinh đến Quốc Học viện giảng Tứ thư[ix], Ngũ kinh[x]… có rất nhiều học trò đến nghe. Lại cho lập Giảng võ đường để luyện tập võ nghệ. Do đó mà anh tài, hào kiệt nhà Trần nở rộ, văn có Lê Văn Hưu, Trạng Hiền, Mạc Đĩnh Chi, Hàn Thuyên... võ có Trần Hưng Đạo, Trần Quang Khải, Trần Bình Trọng, Trần Nhật Duật...

Sự học Nho giáo không chỉ phát triển ở nơi thành thị mà ngay cả ở thôn quê cũng rất được chú trọng. Vua Thuận Tông từng xuống chiếu rằng: “Đời xưa, nước có nhà học, đảng có nhà tư, toại có nhà tường[xi] là để tỏ rõ giáo hoá, giữ gìn phong tục, ý trẫm rất chuộng như vậy. Nay quy chế ở kinh đô đã đủ, mà ở châu huyện thì còn thiếu, làm thế nào rộng đường giáo hoá cho dân. Nên lệnh cho các lộ phủ Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Đông[xii] đều đặt một học quan, ban cho quan điền[xiii] theo thứ bậc khác nhau, phủ châu lớn thì mười lăm mẫu; phủ châu vừa thì mười hai mẫu; phủ châu nhỏ thì mười mẫu để chi dùng cho việc học trong châu phủ của mình. Lộ quan và quan đốc học hãy dạy bảo học trò cho thành tài nghệ, cứ đến cuối năm thì chọn người ưu tú tiến cử lên triều đình, trẫm sẽ thân hành thi chọn và cất nhắc. Như thế đủ biết nhà Trần đối đãi với Nho giáo như thế nào.

3. Quan điểm về Đạo giáo và tinh thần tam giáo đồng nguyên

Trong một đời sống tư tưởng hết sức phong phú và phóng khoáng như thời Trần, Đạo giáo cũng có những cơ hội để được phát triển. Sử cũ còn ghi lại bấy giờ ngoài chùa chiền, đền miếu cũng mọc lên rất nhiều, có mặt ở khắp mọi nơi. Theo Đại Việt sử kí toàn thư thì năm Nhâm Dần (1302) đời vua Anh Tông có người đạo sỹ phương Bắc là Hứa Tông Đạo[xiv] theo thuyền buôn sang ta, cho ở bến sông Yên Hoa[xv] làm các phép phù thuỷ, đàn chay bắt đầu thịnh hành từ đó.

Ngay khi nhà Trần lên ngôi, Trần Thủ Độ đã sai các đạo sỹ giỏi phong thuật đi yểm khắp núi sông cả nước, chỗ nào có vượng khí đế vương thì dùng phép thuật để trấn yểm, như các việc đào sông Bà Lễ, đục núi Chiêu Bạc ở Thanh Hoá, còn lấp các khe kênh, mở đường ngang dọc thì nhiều không kể xiết[xvi]. Điều đó chứng tỏ Đạo giáo đã có một vị trí khá tương xứng và được vua quan nhà Trần đánh giá đúng vai trò trong xã hội. Trong triều đình bấy giờ còn ghi nhận là đã có dùng các đạo sỹ để lo việc cầu đảo, lễ bái. Sách Đại Việt sử kí toàn thư chép rằng: Năm Ất Mão 1255, vua sai đạo sỹ cung Thái Thanh tên là Thậm lập đàn để cầu tự. Đọc sớ xong, đạo sỹ tâu với vua: Thượng đế đã y lời sớ tâu, sắp sai Chiêu Văn đồng tử giáng sinh, ở trần thế bốn kỷ. Thế rồi Hậu cung có mang, sau quả nhiên sinh con trai, hai cánh tay có chữ Chiêu Văn đồng tử, nét chữ rất rõ, vì thế mới đặt hiệu là Chiêu Văn. Lớn lên nét chữ mới mất đi. Chiêu Văn chính là Hoàng tử thứ sáu Trần Nhật Duật.

Một vấn đề cũng được các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về tôn giáo dưới thời Trần đặt ra, đó là hiện tượng "tam giáo đồng nguyên". Tại sao lại nói rằng tôn giáo dưới thời Trần là "đồng nguyên" và tôn giáo đã "đồng nguyên" như thế nào? Theo những quan niệm vẫn có từ trước đến nay, giai đoạn Lý - Trần vẫn được coi là hai triều đại của Phật giáo. Chúng tôi không dùng chữ "độc tôn" vì thực chất khái niệm độc tôn tôn giáo, dù đó là Nho giáo hay Phật giáo đều là những quan điểm chưa thực tế và khách quan. Các triều đại này có thể ưu tiên, có thể chú trọng đến Phật giáo hơn các tôn giáo khác, tất nhiên là có những lí do của nó, chúng tôi sẽ xin được bàn đến ở phần sau, nhưng không thể nói Trần triều độc tôn Phật giáo. Trong các vua nhà Trần có lẽ ngoài ba vị vua đầu triều là Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông là coi trọng và đề cao Phật giáo, thì các vị vua về sau đều không có được tinh thần Phật giáo khoáng đạt và từ bi như những vị vua trên. Và vì thế, quan điểm về tôn giáo dưới thời Trần "tam giáo đồng nguyên" không gì khác chính là tinh thần đoàn kết, hoà hợp tôn giáo. Những vị vua đầu đời Trần cũng là những người thực thi chính sách này một cách linh hoạt, uyển chuyển, sáng tạo và thể hiện tính nhân văn hơn cả.

Tinh thần "tam giáo đồng nguyên" không chỉ thể hiện tinh thần phá chấp, vô ngã vị tha của Phật giáo mà những vị vua nhà Trần đã thấm nhuần, mà cao hơn thế, tinh thần này còn được phát huy, được chuyển hoá, hay nói một cách khác là đã được thăng hoa để chuyển biến trong nhận thức, trong hành động, rằng chớ quá coi trọng thành phần, xuất thân, chớ phân chia tôn giáo, dân tộc. Trong Khoá hư lục phần Phổ khuyến phát Bồ đề tâm Trần Thái Tông đã nói:

Phiên âm: Khởi thức bồ đề giác tính cá cá viên thành; tranh tri bát nhã thiện căn nhân nhân cụ túc. Mạc vấn đại ẩn, tiểu ẩn[xvii]; hưu biệt tại gia, xuất gia; bất câu tăng tục, chỉ yếu biện tâm, bản vô nam nữ hà tu trước tướng. Vị minh nhân vọng phân tam giáo, liễu đắc đê đồng ngộ nhất tâm.

Dịch nghĩa: Nào biết bồ đề giác tính ai nấy viên thành, hay đâu trí tuệ thiện căn người người đều đủ, chẳng cứ kẻ ẩn dật nơi thôn dã núi rừng hay ẩn dật nơi phồn hoa đô hội; đâu nề kẻ tại gia hay xuất gia. Chẳng phân biệt người tăng kẻ tục, chỉ cốt ở chỗ biết tỏ lòng, nào kể gái trai cớ sao nệ tướng. Người chưa hiểu chia bừa thành tam giáo, giác ngộ rồi cùng thấu một chữ tâm. Trần Thái Tông còn thể hiện một tư tưởng rất mới và cũng rất khoáng đạt khi nói rằng nói về "tam giáo đồng nguyên" như thế. Tư tưởng này thật mới lạ và thật đáng để cho chúng ta suy ngẫm biết bao.

Trong những năm đầu đời Trần (Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông), Phật giáo Việt Nam đã phát triển cực thịnh. Trong khi Nho giáo chưa trở thành ý thức hệ chính thống của nhà nước quân chủ trung ương tập quyền, thì Phật giáo đã có tác dụng thống nhất nhân tâm tạo điều kiện cần thiết để củng cố và phát triển nhà nước quân chủ. Do vậy, Phật giáo trong những năm này có ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động chính trị, văn hoá, học thuật, khoa cử đương thời và in dấu rõ nét trong văn học, nghệ thuật. Thế nhưng đến những năm giữa nhà Trần (từ thời Trần Minh Tông trở về sau) thì vị trí đó đã bắt đầu có sự thay đổi. Đó là Nho giáo đứng vị trí quan trọng nhất, kế đến là Phật giáo và Đạo giáo. Đến đầu thế kỷ XV, tình hình đó lại thay đổi một lần nữa, đó là từ đây trở đi Nho giáo đóng vai trò chủ đạo, còn Phật giáo và Đạo giáo tuy vẫn tiếp tục phát triển, thậm chí là không hề thua kém trước đó, nhưng đã lùi ra khỏi vũ đài chính trị để phát triển ở trong lòng xã hội./.

-------------------------------------------

Chú thích:

[i] Chỉ việc làm khổ công của người học đạo, từ đơn giản như đập ngói đến việc khó như mài mai rùa.

[ii] Còn có tên gọi khác là Đạo Viên, được tôn xưng là Trúc Lâm Quốc sư. Sư tu hành ở núi Yên Tử.

[iii] Chỉ những kinh điển của nhà Phật.

[iv] Một nho gia sống vào thời vua Nghệ Tông.

[v] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, trang 20.

[vi] Khoa thi này Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ đệ nhất giáp, Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ đệ nhị giáp, Trần Chu Phổ đỗ đệ tam giáp.

[vii] Khoa thi này Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhãn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa.

[viii] Khoa thi năm 1256. Do bấy giờ chia Thanh Hoá, Nghệ An ra làm trại nên có lệ này.

[ix] Tứ thư và Ngũ kinh là hệ thống kinh điển của Nho giáo, Tứ thư gồm các sách: Trung dung, Đại học, Luận ngữ và Mạnh tử.

[x] Ngũ kinh gồm có: Kinh Dịch, Kinh Thư, Kinh Thi, Kinh Lễ và Kinh Xuân Thu (còn gọi là Tả truyện).

[xi] Đảng là một đơn vị hành chính thời xưa, gồm năm mươi nhà; Toại cũng giống như làng, xã bây giờ. Nhà tư và nhà tường dùng để chỉ nơi học tập nói chung.

[xii] Đây là những tên đất có từ thời Lê, không phải thời Trần, có lẽ lời chiếu được chép lại nên có sự nhầm lẫn.

[xiii] Chỉ ruộng công, cho cày cấy để thu hoạch phục vụ việc chung.

[xiv] Theo Đại Việt sử kí toàn thư thì Hứa Tông Đạo người tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Không phải đến năm 1302 ông mới sang Đại Việt. Theo bài minh trên chuông Thông Thánh quán ở Bạch Hạc (Phú Thọ) do chính Hứa Tông Đạo soạn năm Đại Khánh thứ 8 (1321) thì ông đã đến Đại Việt từ năm Bính Tý (1276) đời Trần Thánh Tông.

[xv] Nay là Yên Phụ, Hà Nội

[xvi] Ngô Sỹ Liên, Đại Việt sử kí toàn thư, trang 22.

[xvii] Chỉ việc ở ẩn của Nho gia. Đại ẩn là người có thể ở ngay nơi thành thị mà lòng không vướng bận vào vòng danh lợi. Tiểu ẩn chỉ việc bỏ vào núi rừng, tránh xã nơi đô hội, tránh xa vòng cám dỗ. Người thực hiện được đại ẩn càng chứng tỏ được tiết tháo của mình.

Like This Post? Please share!

  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...
Scroll to top