SỐNG VỚI MỘT CHIẾC GƯƠNG TRƯỚC MẶT


Ngày nay phần lớn nhân loại đều phẫn nộ trước vũ khí hạt nhân, trong khi đó có một loại vũ khí hạt nhân khác lúc nào cũng hiện hữu trong tâm ta...

Khi chúng ta đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài, đó là một sai lầm. Ta có thể tìm đến bao điều mới lạ để làm giàu thêm kinh nghiệm sống của mình, ngay cả đi du lịch khắp nơi trên thế giới, nhưng rồi ta vẫn nhìn mọi việc bằng con mắt cũ của mình. Chính tư duy và cảm thọ của chúng ta tạo nên cái nhìn về thế giới ta đang sống.

Khi ta cố gắng thay đổi thế giới theo cái nhìn hay sự mong mỏi của riêng mình, thì chắc chắn là ta sẽ thất bại. Nếu trời đang mưa, ta không thể bắt trời nắng chỉ bằng ao ước; nhưng điều ta có thể làm được là nhìn lại mình, để xem cái gì trong ta khiến ta cảm thấy khó chịu vì mưa. Ðiều đó không có nghĩa là ta phải thay đổi cá tính của mình - chúng ta đã có cá tính rồi. Nói một cách chính xác, cái chúng ta cần là một tấm gương, soi cho ta biết ta thực sự là ai, và ta có thể sửa đổi như thế nào để được tốt hơn.

Lâu nay, chúng ta có khuynh hướng tạo cho mình nhiều khuôn mặt (mặt nạ). Mỗi khuôn mặt cho một hoàn cảnh khác nhau, nhưng chúng ta chưa bao giờ tự soi gương mặt thật của mình, có thể vì quá cận ảnh thì khó nhìn cho rõ. Ngược lại chúng ta hay nhìn người chung quanh, và khi nhìn thấy một gương mặt đẹp đẽ nào đó, ta hình dung ra mình cũng như thế.

Tuy nhiên, mặt nạ của ta cũng có lúc bị rơi xuống, hay ta quên mang nó lên, lúc đó ta mới thoáng thấy hình dáng thực sự của nó ra sao. Thường thì sự thật quá đau lòng đến nỗi ta không thể chịu đựng được. Ta vội vã che đậy nó lại. Vì chúng ta đã quen thay đổi mọi thứ đến nỗi ta không thể chấp nhận chính bản thân. Trong lúc đó, dưới tấm mặt nạ, gương mặt thật của ta đang thối rữa vì thiếu không khí, ánh sáng, vì chúng ta không bao giờ nghĩ đến việc lau chùi nó cho sạch sẽ.

Bề ngoài ta có vẻ như là một người tốt, nhưng chính con người bên dưới chiếc mặt nạ mới cần được thanh tịnh hóa. Nếu thật sự tâm ta trong sáng, thì thật tốt cho những người ở quanh ta. Tuy nhiên, giả bộ tốt bên ngoài, mà bên trong xấu xa, thì không ích lợi gì cho bản thân ta và cho kẻ khác.

Ðằng sau tấm mặt nạ là con người mà ta cần phải hiểu và tu sửa. Tất cả chúng ta đều mang một tên gọi là Tôi nhưng thật ra ta không hiểu mình là ai. Khi ta cho ai một thứ gì, dầu là một mẩu bánh mì nhỏ, là ta đã nghĩ mình quá tốt, quá hữu ích, đến nỗi ta cứ nhớ mãi đến hành động đó một thời gian dài. Ngược lại, nếu ta làm điều gì xấu, ích kỷ, ta cố gắng quên nó ngay lập tức. Chúng ta có khuynh hướng tạo nên một hình ảnh giả tạo về con người mình để tự an ủi bản thân. Hành động tự lừa dối mình rất khó kiểm soát - đó là lý do tại sao ta cần đến cái gương soi.

Ở Tây Tạng, có một vị đại sư rất nổi tiếng, Ngài Lodro Thaye Jamgon Kongtrul Rinpoche, đã nói về vấn đề này như sau: "Khi tôi nhìn các vị truyền giáo, tôi thấy bên ngoài họ có thể ăn mặc lịch sự, nói năng hoạt bát, nhưng khi tôi nhìn vào tâm họ, họ giống như những con rắn độc. Mỗi khi họ gặp hoàn cảnh khó khăn, hay trở ngại, lúc đó tâm thực sự của họ mới hiện ra. Giống như các con rắn độc sẽ cắn, dầu bên ngoài ta thấy nó rất điềm tĩnh, họ cũng sẽ hành động như thế nếu có điều gì đó cản trở, đe dọa họ".

Ðiều đó, dĩ nhiên không có nghĩa, hễ rắn là xấu; rắn có khả năng để trở thành xấu hay tốt, nhưng vì lòng sợ hãi, ghen ghét hay u mê, nó có thể trở nên nguy hiểm khi nó cảm thấy bị đe dọa. Cũng thế, khi chúng ta nhìn thấy cái xấu trong ta, do vô minh tạo nên, chúng ta có thể và phải sửa đổi nó thành trí tuệ. Khi chúng ta có thể quay vào bên trong để tự soi tâm mình, và thanh tịnh hóa tâm, là ta đã tìm được con đường đạo, và tất cả mọi hoàn cảnh bên ngoài tự nhiên trở thành dễ dàng để ta ứng phó bằng những phương cách tích cực và hữu hiệu.

Ðiều quan trọng là ta phải có thái độ minh bạch đối với những gì ta nhìn thấy trong gương. Chỉ nhìn thấy những mặt xấu thì cũng tai hại và vô ích như chỉ nhìn thấy những mặt tốt đẹp của ta. Chỉ nghiêng về những mặt tiêu cực của cá tính có thể dẫn đến trạng thái trầm cảm, tuyệt vọng nặng nề. Chúng ta có thể quan sát mình trong gương mà không kết án những gì ta thấy hay muốn đập vỡ cả gương soi. Ngược lại, ngó lơ hay che giấu những mặt xấu của ta, chỉ làm cho chúng thêm sức mạnh, dẫn đến những dồn nén bên trong, để rồi một ngày nào đó nó vỡ tung.

Ngày nay phần lớn nhân loại đều phẫn nộ trước vũ khí hạt nhân, trong khi đó có một loại vũ khí hạt nhân khác lúc nào cũng hiện hữu trong tâm ta. Mỗi ngày, bản ngã ta tạo nên tự ái, ganh tỵ, sân hận, ham muốn, căm hờn, dẫn đến sợ hãi và xung đột ở mọi mặt, làm hại cho bản thân và cho cả tha nhân. Ðể vô hiệu hóa vũ khí hạt nhân hay các phản ứng của nó, không thể chỉ việc đem chôn giấu nó và ước muốn nó sẽ biến mất đi. Cũng thế, để dập tắt những động lực xấu xa trong ta, ta phải tháo gỡ, làm tiêu trừ chúng với sự cẩn trọng và khéo léo, bằng những phương tiện của lòng từ và tình thương. Công việc khó khăn này cần được làm với lòng kiên nhẫn và thái độ không bám víu.

Những gì chúng ta đã học được bằng cách nhìn vào gương có thể rất hữu ích trên con đường tu đạo, nhưng trước hết chúng ta phải biến chúng thành một phần trong kinh nghiệm sống của ta, chứ không phải là một cái gì riêng rẽ. Vì nếu ta không thực sự hòa nhập trong trí tuệ và tình thương yêu vừa được khơi dậy, thì cũng giống như chúng ta vừa mang một chiếc mặt nạ mới.

Nên nhớ, tất cả những khám phá của chúng ta phải được áp dụng vào thực tế. Không ích lợi chi nếu ta bỏ ra một tiếng đồng hồ ngồi suy gẫm về việc buông bỏ lòng ghen ghét, nhưng khi vừa hết giờ ngồi thiền, thì ta lại để bị lôi kéo vào những tình cảm ghen ghét thì thật hoài công. Những gì ta đã suy gẫm phải được áp dụng vào đời sống hằng ngày, vào những hoàn cảnh ta phải đối mặt trong cuộc đời.

Thêm nữa cho dầu ta có thể học hỏi, sưu tầm rất nhiều Pháp, với tất cả lòng chân thành, nhưng nếu chúng không liên hệ hay có thể ứng dụng được trong hoàn cảnh riêng của ta thì cũng vô ích. Giáo dục trường lớp và các khả năng tri thức có thể phần nào giúp ta hiểu và đương đầu với nhiều hoàn cảnh trong đời; nhưng có được một tâm rộng mở thì quan trọng hơn.

Dầu tất cả chúng ta, ai cũng đều có khả năng thông cảm và yêu thương, nhưng nếu ta không phát triển những đức tính này cũng như không đem chúng áp dụng vào cuộc sống, thì cũng bằng như không có. Một kẻ giàu mà không biết sử dụng đồng tiền của mình, cũng không bằng người nghèo mà biết cách dùng tiền một cách hữu ích. Vì thế ta cần có chánh niệm, sử dụng những gì ta có một cách hữu hiệu. Thí dụ, chỉ biết đến tình cảm ghen ghét bên trong ta, chưa đủ; ta còn cần phải có sự cố gắng và khéo léo để điều phục, hoán chuyển nó. Bằng cách đó, lòng tự tin và sức mạnh của ta được tăng trưởng; cảm giác hẹp hòi và vô ích sẽ biến mất, nhường chỗ cho một tâm hồn cởi mở, một tấm lòng tự trọng.

Nếu ta tiếp tục sử dụng chiếc gương soi, dần dần ta sẽ nhận rõ được sự tiến bộ của mình, chứng tỏ ta có sự phát triển tâm linh, và những đau khổ chúng ta phải chịu đựng trước đó sẽ dần dần biến mất.

Từng bước, từng bước một, ta sẽ có thể xác định và làm vô hiệu hóa những độc tố nội tâm, những trạng thái tiêu cực của tâm đã khiến cho cuộc đời càng thêm khó sống. Không ai có thể làm chủ được thế giới bên ngoài, nhưng chúng ta có thể đánh bại sân hận, tự ái, ham muốn, lòng căm ghét và ganh tỵ trong lòng ta. Những chướng ngại này đã khiến chúng ta thêm xa cách với cuộc sống. Khi đã khuất phục đưọc chúng, lúc đó ta sẽ không còn cảm thấy cuộc sống đối nghịch với ta. Chúng ta sẽ thấy tự tại với chính mình, với thế giới quanh ta, và ta sẽ có thể giúp đỡ người khác nữa. Tất cả mọi người, mọi việc đều trở nên thuận lợi, hữu ích đối với chúng ta, cũng như ngược lại.

Sống với một chiếc gương soi luôn ở trước mặt, không phải là chuyện dễ, nhưng để hiểu và giải quyết những vấn đề của chúng ta trong cuộc sống, ta cần phải chịu đựng một số khó chịu, bực bội. Sức mạnh của thói quen khiến chúng ta dễ phán đoán và cố sửa đổi người khác, vì thế việc phải đối mặt với chính lỗi của mình để sửa đổi chúng có thể làm chúng ta cảm thấy e sợ. Cũng là điều tự nhiên khi ta sợ điều ta chưa biết; hướng giải quyết là phải tìm hiểu và làm bạn với chính mình, giống như người luyện tập thú, trước hết phải lấy được lòng tin của con vật.

Phương pháp để tu sửa bản thân này không thể là những lời nói dễ dãi đầu môi, nó phải được xuất phát từ trong thâm tâm một cách chân thành, quyết liệt. Vậy chúng ta hãy bắt tay vào việc phân loại những vấn đề của mình. Chúng ta phải chế ngự tâm và rèn luyện chính mình. Nếu không, ta sẽ tiếp tục thấy cuộc đời khó sống, tiếp tục đổ lỗi cho người và hoàn cảnh khi có việc khiến ta phiền hà, bực bội. Lúc đó ta lại phải phân loại hàng triệu người để đối phó, chứ không phải một. Vì thế thay vì cố gắng thay đổi người khác, ta hãy nhìn vào gương soi, và sửa đổi chính mình.

Like This Post? Please share!

  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...
Scroll to top