Khi khảo sát các hệ tư tưởng, tôn giáo và triết phái ở Ấn Độ, nếu chúng ta không kể triết phái duy vật Carvaka, thì các tôn giáo, hệ tư tưởng và triết phái ở Ấn Độ, kể cả chính thống và phi chính thống đều mang những nét chung khá rõ nét.
Những nét chung đó tập trung vào một điểm là mục đích và biện pháp giải thoát ra khỏi cuộc sống hạn chế và đau khổ.
Nét chung thứ nhất là thuyết nghiệp (Karma)
Từ điểm nhìn này, theo đó thì mọi hành động của con người, tùy theo thiện hay ác đều để lại một tiềm lực gây cho đương sự quả báo khổ hay vui trong tương lai. Đó là quy luật nhân quả nghiệp báo, mà ở Việt Nam, chúng ta thấy thể hiện trong những câu dân gian như “Gieo gió gặt bão; Ở hiền gặp lành; Đời cha ăn mặn, đời con khát nước” v.v... Đó cũng là quy luật đạo đức bất khả kháng gọi là Rta ở Ấn Độ cổ đại, và vị thần trong sách Veda trông nom luật này là Varuna.
Liên hệ với thuyết nhân quả nghiệp báo là quan điểm cho rằng, mọi hành động thiện hay ác đều phải cần một thời gian nhất định mới chín mùi và đem lại quả báo. Và thời gian đó có thể là một đời hay là nhiều đời. Chỉ có những hành động cực ác hay cực thiện mới đem lại quả báo nhãn tiền ngay trong đời này, gọi là hiện báo. Phần lớn những hành động làm trong đời này đều chín mùi và đem lại quả báo trong đời sau, gọi là sanh báo. Dĩ nhiên, lại có những hành động đem lại quả báo trong những đời sau nữa gọi là hậu báo.
Hơn nữa, hành động cực thiện hay cực ác lại không phải do ở hình thức của hành động mà do ở ý nghiệp, tức là cái tâm của đương sự là tâm cực ác hay là cực thiện. Hay là nói như Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Những người hành động với tâm xả chân chính hay là những người tu thiền đích thực sẽ không còn tạo ra nghiệp mới nữa. Họ ung dung hưởng thụ quả báo thiện lành do những nghiệp nhân đã làm từ trước.
Đối với những bậc đã thành tựu giác ngộ chân chính, thì lập tức mọi nghiệp nhân tạo ra trước đây đều bị hủy hoại, không chút dư tàn. Đó là những vị đã chứng được quả Phật, quả A-la-hán, quả Bích Chi Phật hay là các vị Bồ-tát từ thất địa trở lên.
Những người theo đạo Jain tin rằng, hành động nơi ý nghĩ, lời nói và thân tạo ra một loại vật chất tế nhị gọi là karma, loại vật chất tế nhị này bao quanh linh hồn của đương sự và linh hồn đó, vì còn có dục vọng nên cũng thu hút loại vật chất tế nhị này, nó như một cái áo, từng từng lớp lớp bao bọc linh hồn cho nên có danh từ karmasarira, nghĩa là cái thân karma.
Triết lý giải thoát của đạo Jain là trừ bỏ dục vọng, để linh hồn không còn hút thêm karma nữa, đồng thời thực hành nếp sống khổ hạnh để giảm bớt tiến tới tiêu diệt karma hiện hữu. Khi karma hiện hữu bị triệt tiêu hết rồi, và karma mới cũng không được tạo ra nữa, thì hành giả sẽ được giải thoát và trở thành bậc Thánh, siêu thăng lên cõi Trời cao nhất, là cõi sống của các bậc Thánh. Điều lạ là sách của đạo Jain nói tới màu sắc trắng, đen v.v... của các loại vật chất karma bao bọc linh hồn, và tạo ra cái gọi là nhân cách của con người đó. Thuyết karma, hình dung như một loại vật chất tế nhị, hao hao giống thuyết của thiền Phật giáo Tây Tạng, cho rằng, bao bọc cái thân vật chất thấy được của con người, còn có một cái thân tế nhị, không thấy được, cấu tạo bằng hành vi, lời nói, ý nghĩ của người đương sự (Xem cuốn Gesture of balance của Tulku Tarthang, trang 56).
Thuyết Mukti tức là giải thoát
Không những các tôn giáo và triết phái Ấn Độ thống nhất với nhau về nguyên nhân dẫn tới thân phận đau khổ của con người là nghiệp (karma), mà còn thống nhất nhau ở quan điểm chung là cuộc sống đau khổ trở đi trở lại đó trong vòng sinh tử luân hồi có ngày chấm dứt. Đó là giải thoát. Sự giải thoát không cần tìm ở đâu xa, mà chính ở trong bản thân chúng ta, bằng cách triệt tiêu mọi hành vi tạo nghiệp, lôi cuốn chúng ta vào vòng sanh tử luân hồi. Các tư tưởng gia Ấn Độ cổ đại tin rằng cái Ta chân thực là cái ta giải thoát, nó không dính dáng gì, và cũng không bị ô nhiễm bởi gió bụi của cuộc sống đời trần tục.
Trong các thơ thiền Việt Nam đời Lý-Trần, thường có ảnh dụ hoa sen trong lò lửa, nhưng vẫn xanh tươi, cũng ví như cái ta chân thực với cái thân ngũ uẩn vô thường của con người vậy. Thiền sư Ngộ Ấn phát biểu: “Ngọc phần sơn thượng sắc thường nhuận/ Liên phát lô trung thấp vị càn.” (Ngọc đem đốt trên núi, mà sắc vẫn tươi. Hoa sen nở trong lò lửa mà sắc vẫn dịu mát...).
Hay là mấy câu thơ của Thiền sư Đạo Huệ: “Sắc thân dữ diệu thể/ Bất hợp bất phân ly/ Nhược nhân yếu phân biệt/ Lô trung hoa nhất chi.” (Sắc thân và diệu thể (tức là cái chân tâm vi diệu)/ Không hòa hợp cũng không tách rời/ Nếu người ta muốn phân biệt/ Thì cũng như hoa sen trong lò lửa vậy).
Rõ ràng, tư tưởng của các Thiền sư đời Lý-Trần cũng không khác mấy tư tưởng của các tôn giáo và triết phái Ấn Độ cổ đại. Câu “Nhất đóa hồng lô hỏa lý liên” (Một đóa hoa sen trong lò lửa hồng) của Tuệ Trung Thượng Sĩ đời Trần cũng phản ánh tư tưởng đó.
Như vậy là gì? Tức là cái tâm bình thường hàng ngày của chúng ta, cái tâm sinh diệt, hay nổi cơn tham, sân, si không phải là cái tâm chân thực của chúng ta. Cái tâm chân thực này không có dính dáng gì, mà cũng không bị ô nhiễm gì bởi các cơn tham, sân, si của cái tâm bình thường, hàng ngày của chúng ta cả.
Thuyết về một linh hồn thường tại
Ngoại trừ đạo Phật ra, các tôn giáo và triết phái khác đều chấp nhận trong con người có một linh hồn bất biến, được gọi bằng cái tên khác nhau là purasa, jiva hay atman. Còn bản thân cái linh hồn bất biến đó như thế nào thì quan điểm giữa họ cho rằng linh hồn đó là một thực thể vô thức, không mang một đặc điểm hay thuộc tính nào hết. Triết phái Samkhya (Số luận phái) thì cho rằng đó là tâm thức thuần túy (pure consciousness), còn triết phái Vedanta thì cho rằng đó là một thể thống nhất của tồn tại thuần túy, hỷ lạc thuần túy (ananda) và tâm thức thuần túy. Đạo Phật khi phủ nhận có một linh hồn bất biến thường tại, có thể muốn chúng ta tránh không lạc vào tư biện siêu hình, tư biện về một cái gì đó mà hiện tại không thấy được, không quan sát được, và chỉ nên quan tâm tới cái tâm thức hiện hữu có thể chuyển thiện hay chuyển ác. Chúng ta, theo đạo Phật, cần gia công nơi cái tâm hiện hữu này, phải tìm hiểu nó (Trần Thái Tông, trong Khóa hư lục dùng từ biện tâm), điều phục nó, như trong kinh Pháp cú, phẩm Tâm viết:“Lành thay điều phục tâm/ Tâm điều an lạc đến.” (Kệ 35); “Người trí phòng hộ tâm/ Tâm hộ an lạc đến.” (Kệ 36).
Kinh Pháp cú còn cảnh báo rằng, cái tâm nghĩ chuyện tà quấy làm hại ta còn hơn cả kẻ thù hại chúng ta, và cái tâm nghĩ điều thiện, điều chân chánh đem lại lợi ích cho ta hơn cả cha mẹ, bà con muốn làm cho ta:“Kẻ thù hại kẻ thù/ Oan gia hại oan gia. Không bằng tâm hướng tà/ Gây ác cho tự thân.”(Kệ 42) và: “Điều mẹ cha, bà con/ Không có thể làm được/ Tâm hướng thiện làm được/ Làm được tốt đẹp hơn.” (Kệ 43).
Thuyết nhân sinh là đau khổ
Đời là khổ. Đấy là chân lý về sự khổ, một trong bốn chân lý mà Phật thuyết giảng trong bài thuyết pháp đầu tiên ở Vườn Nai sau khi Phật thành đạo. Các triết phái và tôn giáo khác ở Ấn Độ đều chấp nhận điểm này, với sự nhấn mạnh nhiều ít khác nhau. Phật giáo và hai triết phái Samkhya và Yoga cường điệu mạnh mẽ nhất chân lý nhân sinh là khổ.
Điều mà người bình thường cho là vui, thực tế cũng là khổ, bởi lẽ điều vui đó không thể tồn tại mãi. Giữ gìn nó cho nó kéo dài được là khổ, mất nó đi lại càng khổ. Vì vậy mà bậc có trí tìm tới giải thoát.
Tuy nhận định chung là như vậy, nhưng các triết gia và nhà giải thoát Ấn Độ cổ đại không bi quan, bởi lẽ họ tin rằng cái ta chân thật của họ là hạnh phúc hay là hỷ lạc thuần túy, và cái ta chân thực đó vốn tồn tại, không bị ô nhiễm bởi gió bụi của cuộc đời trần tục.
Sự thống nhất trong mọi cố gắng trên các bình diện triết học, tôn giáo và đạo đức
Các tôn giáo và triết phái ở Ấn Độ, ngoại trừ triết phái duy vật Carvaka, đều nhất trí trên các điểm như: sống đạo đức, tuyệt đối không hại người hại vật, chế ngự dục vọng.
Tất nhiên, có những khác biệt trong chi tiết, như giống nhau là cơ bản. Mãi về sau với triết phái Vasnava (liên hệ với thần Visnu), thì yếu tố thành tín bhakti mới phát triển và chiếm ưu thế.
Giải thoát ra khỏi cuộc sống hạn chế của thân phận con người, đó là mục đích thống nhất của tất cả các tôn giáo và triết phái Ấn Độ. Đó cũng là mục đích của mọi cố gắng tìm cho được cái thường, cái bất tử trong dòng chảy vô thường và sanh tử, tìm ra cho được cái hỷ lạc thuần túy, vĩnh cửu giữa cuộc đời đầy đau khổ này.
Đạo Phật và Thánh điển Upanishad
Theo Thánh điển Upanishad, cái ta chân thực là hỷ lạc vĩnh cửu và bất diệt. Còn đạo Phật thì nói không có cái ta gắn liền với thân tâm này. Kinh Phật dẫn lời Phật giảng: “Sắc thân này không phải là Ta, cũng không phải là của Ta. Thọ, tưởng, hành, thức, cũng không phải là Ta hay của Ta...” Nhưng cái ta chân thực là gì, thì Phật không nói.
Rất có thể vì Phật thấy cái ta chân thực là siêu việt ngôn ngữ và tư duy khái niệm, cho nên không nói, vì sợ người nghe chấp thủ vào lời Phật.
Tại sao Thánh điển Upanishad lại nói cái ta chân thực là hỷ lạc? Phải chăng vì cái ta chân thực là vĩnh cửu? Phật cũng nói cái gì vô thường là đau khổ, và cái gì đau khổ không phải là cái ta.
Nhưng đạo Phật cho rằng cái ta chân thực là không thể thực nghiệm được với cái tâm vô thường, hữu hạn vốn là cái tâm bình thường hàng ngày của chúng ta. Với cái tâm vô thường và sinh diệt, không thể tìm đâu ra cái ta chân thực, vĩnh hằng và hỷ lạc theo như Thánh điển Phật giáo nói.
Khi đạo Phật nói vô minh, tức là không hiểu, không biết, tức là đạo Phật muốn nói bốn cái không thể không biết.
- Đau khổ là gì ? Bản chất của sự đau khổ.
- Không hiểu, không biết đau khổ xuất phát từ đâu?
- Không hiểu, không biết khổ diệt là thế nào?
- Con đường diệt khổ là như thế nào?
Và khi đạo Phật nói giác ngộ, tức là hiểu và biết tức là:
- Hiểu và biết bản chất của đau khổ.
- Nguyên nhân của đau khổ.
- Trạng thái khổ diệt.
- Các biện pháp hay là con đường dẫn tới diệt khổ đau.
Vì sao Phật lại từ chối không chấp nhận có một cái ta thường tại bất biến mà Ấn Độ giáo gọi là Atman? Phải chăng Phật không muốn chúng ta mất thời giờ vào những chuyện siêu hình, trong khi con người có thể xây dựng cái ta bình thường, hàng ngày bằng những tư tưởng thiện, lời nói thiện và hành động thiện.
Trong kinh Pháp cú, có câu kệ, được xem là lời không phải của riêng Phật Thích Ca mà của tất cả các Đức Phật: “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý/ Thị chư Phật ngôn.” (Tránh mọi điều ác/ Làm mọi điều lành/ Tự mình làm trong sạch tâm ý mình/ Là lời dạy của các Đức Phật).
Tuy nhiên, trong kinh Udana, 80 tức Tập Kinh, Phật cũng nói rõ phải có cái thường, cái vĩnh cửu thì chúng sanh mới có thể thoát ra khỏi cảnh giới vô thường được: “Này các Tỳ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các Tỳ-kheo, nếu không có cái không sanh, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, có cái không sanh, không bị làm ra, không hiện hữu, bị làm hữu vi”.
Như vậy, rất rõ ràng, Phật nói rằng ở đằng sau cái sanh diệt, có cái bất sanh bất diệt, ở đằng sau cái hiện hữu, tức là cái tồn tại (mà đã hiện hữu, tồn tại thì tất yếu là vô thường, biến đổi) thì phải có cái không hiện hữu v.v... Và ở ngoài thế giới hiện tượng là thế giới của luật nhân quả, của thời gian và không gian, của sanh diệt, Phật thừa nhận có thế giới vĩnh hằng không có sanh diệt, không bị luật nhân quả nghiệp báo chi phối.
Người tu hành, hay là bậc có trí phải cảm nhận sâu sắc tính vô thường của thế giới này thì mới siêu việt lên trên thế giới này được, và đấy là mục tiêu phấn đấu của các tôn giáo và triết phái Ấn Độ, ngoại trừ triết phái duy vật Carvaka.
Ấn giáo Vedanta cho rằng, nếu hiện tượng giới là vô thường, không rỗng, thì phải có một cái gì đó là thường, mà chúng ta không mô tả được. Cái thường đó hẳn là không liên hệ gì với cái thân năm uẩn sắc thọ tưởng hành thức của chúng ta, vì cái thân năm uẩn này là vô thường. Tách rời cái vô thường này thì hành giả sẽ được giải thoát.
Cái thân năm uẩn này không phải là ta hay là của ta. Nhưng cái ta chân thực không phải là không có, vì không mô tả được nên lời. Và triết phái Vedanta nói tới một cái ta là tâm thức thuần túy, hỷ lạc thuần túy và tồn tại thuần túy.
Phật sau khi chứng Niết-bàn, không phải là không còn cái gì nữa hết. Tất nhiên, cơ chế tồn tại của Phật siêu việt mọi nghĩ bàn của chúng ta. Suy tư về Phật cũng không khác gì lấy một cái đấu để đong nước của đại dương vậy. Nhưng đại dương tuy không lấy cái đấu mà đong được, nhưng đại dương vẫn tồn tại.
Thiền sư Đạo Huệ đời Lý viết:“Địa thủy hỏa phong thức/ Nguyên lai nhất thiết không/ Như vân hoàn tụ tán/ Phật nhật chiếu vô cùng...” (Địa, thủy, hỏa, phong, thức/ Nguyên lai vốn là không rỗng/ Cũng như mây lúc tụ lúc tan/ Mặt trời Phật chiếu khắp nơi không hạn chế).
Địa, thủy, hỏa, phong, thức là cái thân năm uẩn, nó vốn vô thường, không rỗng. Nhưng mặt trời Phật tức là cái Ta chân thực vẫn chiếu sáng khắp nơi.
Bậc giác ngộ khi nhập Niết-bàn đâu có diệt. Chỉ có mọi lòng ham muốn và dục vọng là bị diệt mà thôi.
Như chúng ta biết, Phật Thích Ca đã phê phán mạnh mẽ những hình thức nghi lễ tế đàn, quá phức tạp và giết hại nhiều sinh vật của Ấn giáo. Ấn giáo cho rằng làm như vậy, tức là Phật giúp làm cho Ấn giáo được trong sáng, và Phật được sách Puranas tôn sùng như là hiện thân thứ 9 của thần Vishnu. Tất nhiên, Phật giáo và Tăng sĩ cùng tín đồ Phật giáo không bao giờ chấp nhận chuyện này. Ấn giáo xem và tôn vinh Phật Thích Ca như là một đại diện xuất sắc của truyền thống tôn giáo Ấn Độ. Nói đúng hơn, Phật Thích Ca và Phật giáo đã trở thành một bộ phận cấu thành không thể tách rời của nền văn hóa không phải Ấn giáo mà là của Ấn Độ.
Và như thế, cho đến nay con người vẫn không ngừng cất bước đi vào lộ trình nhận chân cái khổ và tìm cách thoát khổ thông qua nhìn hệ tư tưởng, tôn giáo, triết phái…. Hẳn nhiên, trong cuộc hành trình thực nghiệm tâm linh giải thoát đó, những người con Phật được trải nghiệm và thể nhập những lời Phật dạy để tự tu và tự chứng, chứ không thể ai thực thi thay thế cho mình.
Phật từng dạy: “Con người là chủ nhân ông của nghiệp, là người thừa tự nghiệp”, thế thì Phật giáo luôn luôn tạo ra một mẫu con người mới, không vướng mắc bởi giáo điều và định kiến, tin tưởng ở sức mình để tự giác ngộ và giải thoát. Chủ nghĩa nhân bản Phật giáo siêu việt mọi biên giới chủng tộc và quốc gia. Phật giáo đúng là một tôn giáo thế giới, đúng theo nghĩa đích thực của từ này. Vì vậy, Phật giáo là một tôn giáo, một hệ tư tưởng và triết học mà càng ngày được nhân loại nghiên cứu tìm hiểu và quan trọng hơn là thể nhập vào đời sống thực tiễn, để thăng chứng, giác ngộ ngay giữa cõi đời này.